Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2021 tổ chức ngày 15/10, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nhưng đây là xu thế tất yếu đối với nhiều loại hình doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển.”

(Phát biểu của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Ánh Xuân tại Diễn đàn Doanh nhân nữ 2021)

Các chuyên gia nhận định chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang và sẽ là xu thế tất yếu, đồng thời đó cũng là 1 trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng với đại dịch Covid-19. Để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần luôn không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số nhưng ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm Hài Hoà cho rằng việc chuyển đổi không thể vội vàng mà cần có lộ trình và phải bắt đầu chuyển đổi từ tư duy, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động.

(Phát biểu của ông Nguyễn Nhật Quang về vai trò của chuyển đổi số)
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Và theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa, đối với các nữ doanh nhân, việc chuyển đổi số càng cần thiết. Bởi điều đó không chỉ giúp các nữ doanh nhân quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn mà còn giúp họ có thêm thời gian dành cho gia đình.

(Phát biểu của bà Đinh Thị Thuý về sự cần thiết của chuyển đổi số với các nữ doanh nhân)