Công tác xã hội đã được rất nhiều nước trên thế giới công nhận là một nghề chuyên nghiệp. Đội ngũ những người làm công tác xã hội được đào tạo rất cơ bản và đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội đồng thuận, lành mạnh, công bằng, vì hạnh phúc của con người. Đây là hoạt động chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm hỗ trợ đối tượng có vấn đề xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng) giải quyết các vấn đề gặp phải, cải thiện hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập xã hội theo hướng tích cực, bền vững.

Còn ở Việt Nam, kể từ sau khi Đề án phát triển nghề công tác xã hội được ban hành, công tác xã hội được coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức.

Trao đổi với PV VOV2, ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, sau hơn 10 năm triển khai đề án phát triển công tác xã hội đã giúp các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách về công tác xã hội có nhiều thay đổi, góp phần thúc đẩy phát triển công tác xã hội tại nước ta. Ông Tùng dẫn chứng trước dây, khái niệm, cụm từ thuật ngữ về công tác xã hội còn mới mẻ, nhưng đến nay đã có nhiều thay đổi về nhận thức và được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình đề án của các bộ, ngành, địa phương lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế để nói một cách công bằng, công tác xã hội vẫn chưa có sự đồng bộ trong nhận thức về vị trí, vai trò cũng như sự thừa nhận chính thức một cách rộng rãi của mọi người đối với dịch vụ công tác xã hội.

Về tổ chức bộ máy, nước ta chưa có hệ thống tổ chức mang tính chuyên nghiệp về công tác xã hội, đặc biệt ở các cấp huyện, cơ sở và cộng đồng. Tình trạng nhiều cơ quan hoạt động bán chuyên nghiệp vẫn là chủ yếu dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác xã hội chưa cao, lãng phí nguồn lực.

“Theo tôi, khoảng trống ở đây là quy định đầy đủ về việc hoạt động nghề nghiệp của công tác xã hội; cần phải có quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi, trách nhiệm của người hành nghề công tác xã hội cũng như người sử dụng dịch vụ công tác xã hội”, ông Trần Cảnh Tùng nhận định và cho rằng phạm vi hoạt động của công tác xã hội rất rộng, có tác động xã hội lớn, cần được quy định ở cấp độ văn bản tầm Nghị định của chính phủ, hoặc pháp lệnh, hoặc ở ban hành luật thì mới có đủ cơ sở pháp lý để phát triển công tác xã hội toàn diện cũng như bảo vệ được quyền lợi các chủ thể tham gia lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chung, điển hình như việc sao nhãng, bóc lột trẻ em, nghèo đói, bạo lực, dân số già, di cư, thất nghiệp ở thanh niên, thảm họa thiên nhiên…..Những thách thức này đang trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi các nỗ lực trong việc chuyên nghiệp hóa các nhân viên công tác xã hội để đáp ứng các nhu cầu của dân số dễ bị tổn thương.

Bởi vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Công tác xã hội. Trong dự thảo Nghị Định này đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng công tác xã hội. Dự thảo nghị định này gồm 8 chương, 54 Điều, bao gồm: những quy định chung; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội; quyền, nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ công tác xã hội…

Theo ông Trần Cảnh Tùng, các nội dung được quy định trong dự thảo Nghị định sẽ tác động đến người cung cấp dịch vụ công tác xã hội và người thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội. Người thụ hưởng sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn, chất lượng dịch vụ được cung cấp chất lượng, hiệu quả hơn. Đối tượng người làm công tác xã hội được mở rộng, bao gồm cả người hành nghề công tác xã hội, người làm công tác xã hội trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội…

Ông Tùng cho rằng nếu dự thảo nghị định được ban hành se giúp đội ngũ người làm công tác xã hội sẽ được chuẩn hóa về trình độ đào tạo (đào tạo, đào tạo lại), quy trình hoạt động, nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng đối với người hành nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, qua đó đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế.

Đặc biệt trong Dự thảo Nghị định lần này cũng đã quy định khá chặt chẽ đối với những đối tượng được tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội, cũng như các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình hành nghề công tác xã hội để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của đối tượng và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng quyền hạn chức trách của người tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội trục lợi cũng như vi phạm các quy định khác mà pháp luật nghiêm cấm.

Một xã hội văn minh và tiến bộ rất cần có các chính sách, kế hoạch và pháp luật cụ thể để phát huy các nguồn lực phát triển và tìm các phương thức đa dạng để bảo vệ, chăm sóc hiệu quả những đối tượng yếu thế. Công tác xã hội đã chứng minh được tính cần thiết góp phần giải quyết các vấn đề con người và xã hội. Và chắc chắn khi dự thảo nghị định công tác xã hội được thông qua và triển khai sẽ là tiền đề quan trọng trong phát triển công tác xã hội tại Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hơn tiếp cận các nước trong khu vực và trên thế giới.