Theo điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam, có tới 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ khoảng 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo lực.

Và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều vụ án bạo lực chấn động cảm xúc xã hội. Bé gái 8 tuổi bị người trong nhà bạo hành tử vong, bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu, chồng chém chết vợ rồi treo cổ tự tử... diễn ra ở nhiều tỉnh thành.

Điều đó chứng tỏ, tình trạng bạo lực gia đình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí nhiều trường hợp để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thế nhưng, điều đáng chú ý là có 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân bị bạo lực gia đình lựa chọn sự im lặng là do tâm lý “không muốn vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai”… đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng. Cùng với đó là những hạn chế, những điểm không phù hợp của Luật Phòng chống bạo lực gia đình khiến cho nhiều người không tin tưởng để tìm đến sự trợ giúp từ pháp luật. "Hơn nữa, Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho kết án, hay sử dụng hòa giải gia đình như một giải pháp chủ chốt của Luật. Chính điều đó đã khiến các nạn nhân chưa thực sự được bảo vệ", TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhấn mạnh.

Chính vì vậy, đã đến lúc phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để phù hợp với giai đoạn hiện nay cũng như tăng tính pháp lý trong bảo vệ quyền, lợi ích của những người yếu thế, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, trẻ em trong các vụ việc bạo lực gia đình.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 9 chương, 80 điều, tăng 34 điều so với luật hiện hành, quy định các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, các cơ chế phối hợp và các điều kiện đảm bảo thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác này.

Dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều quy định khá cụ thể, chi tiết về các quyền của người bị bạo lực gia đình, các loại hình hòa giải; biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình...

Các điều khoản này mang tính nhân văn cao nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, các quyền, lợi ích của người bị bạo lực gia đình; đồng thời huy động một lực lượng lớn các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và công an tham gia vào những hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Đặc biệt, các sửa đổi lần này quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nhất là trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã. Quy định này sẽ giúp người đứng đầu chính quyền địa phương buộc phải quan tâm, có trách nhiệm và trực tiếp đứng ra chỉ đạo giải quyết các tình huống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý.

Dự thảo cũng đã quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát người có hành vi bạo lực gia đình thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã. Cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ.

Các quy định về cai nghiện rượu bắt buộc; biện pháp hòa giải trước, trong và sau khi hòa giải; xét xử công khai; xử lý người dung túng, bao che... cũng là những điểm mới của dự thảo luật. Những quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn về công tác phòng chống bạo lực gia đình trong giai đoạn tới.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định, những sửa đổi bổ sung trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đảm bảo tính khả thi, bao quát nhằm phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, song song với đó, vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn pháp luật, góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Có thể nói, sau gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực gia đình từng bước bị lên án và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là vô cùng cấp thiết, nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của những người yếu thế.

Mời nghe âm thanh tại đây: