Hiện nay, chăm sóc người cao tuổi là một trong những nghề công tác xã hội cần thiết, hỗ trợ cho những gia đình không có điều kiện, thời gian chăm sóc cha mẹ già yếu.

Có lẽ không ai có nhiều ông bà, bố mẹ như những nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại viện dưỡng lão. Không chỉ quan tâm, chăm sóc các cụ như chính người thân, những nhân viên điều dưỡng cần có sự kiên trì, nhẫn nại thì mới hoàn thành tốt công việc của mình. Trong suy nghĩ của những điều dưỡng ở Viện Dưỡng lão Tuyết Thái (Đại Đồng, Đông Anh, Hà Nội), chăm sóc người cao tuổi là một công việc chẳng dễ dàng, nhưng khi đã gắn bó thì chẳng muốn rời xa.

Chị Nguyễn Thị Hương, y tá trưởng Viện Dưỡng Lão Tuyết Thái chia sẻ “Công việc của chúng tôi hàng ngày chăm sóc các cụ, theo dõi bệnh lý về sức khỏe của các cụ, giúp các cụ vui vẻ, cải thiện đời sống. Cũng gặp nhiều khó khăn vì mỗi cụ một tính nết, hầu như các cụ lẫn do tuổi già, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, sa sút trí tuệ...”

Y tá, điều dưỡng viên là những người trực tiếp chăm sóc, kiểm tra sức khỏe, tâm sinh lý đối với người cao tuổi. Người chăm sóc không chỉ cần có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm mà cần nắm bắt được tâm lý, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của các cụ.

“Thực ra chăm các cụ cũng như chăm trẻ con, phải nhẹ nhàng, một số cụ không hợp tác ăn uống, bón cơm cho các cụ không ăn, cứ nhổ ra, mình phải nhẹ nhàng để các cụ ăn hết suất” - chị Hương kể.

Công việc một ngày của điều dưỡng tại trung tâm chăm sóc người già gồm rất nhiều việc: từ vệ sinh, tắm rửa, dọn phòng...tới chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Với những cụ còn khả năng tự chủ thì đỡ hơn, còn những cụ ốm yếu không đi lại được, nằm liệt giường hoặc mất nhận thức thì người điều dưỡng phải chăm chút mọi thứ. Chị Trịnh Thị Thu Trang quê Nghệ An gắn bó với công việc này được 3 năm. Tình cờ qua một người quen giới thiệu, Trang biết đến nghề chăm sóc người già.

“Công việc ở đây không áp lực mà thoải mái. Làm việc cùng các cụ rất tình cảm. Buổi sáng từ 7h cho các cụ ăn sáng, dọn dẹp phòng ốc cho các cụ, kiểm tra sức khỏe như đo huyết áp, kẹp nhiệt độ... Một số bạn đi tắm, vệ sinh cho các cụ, sau đó là giờ vui chơi, rồi ăn cơm...” – Trang hào hứng kể.

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, ăn uống cho người cao tuổi, những điều dưỡng còn thường xuyên trò chuyện, nghĩ ra các trò chơi động viên tinh thần các cụ. Khi làm nghề này Thu Trang luôn tâm niệm, điều dưỡng viên là người bạn, sẵn sàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cùng các cụ “Nếu như làm việc ở bệnh viện, điều dưỡng chỉ làm những việc theo y lệnh của bác sĩ. Còn công việc ở đây là những công việc không tên, thấy gì là làm đó, thấy bẩn là dọn...”.

Khó khăn nhất của những người làm nghề chăm sóc người già là nắm bắt tâm tư tình cảm của các cụ. Vào trung tâm, các cụ sống xa gia đình, mỗi người mỗi tính, có cụ tính tình nắng mưa thất thường, hay dỗi, giận, khi ấy các nhân viên lại nhẹ nhàng dỗ dành, tỉ tê tâm sự...Theo Phạm Thị Cúc, một điều dưỡng trẻ ở trung tâm, điều quan trọng là phải thực sự có tình thương với các cụ.

“Nhiều lúc còn bị các cụ mắng, nhưng thấy các cụ ốm đau bệnh tật thì lại thương, rồi hoàn cảnh các cụ mỗi người khác nhau. Có cụ con cái đi làm ăn xa, có người con cái ở nước ngoài, có cụ thì không có gia đình. Vào đây là nhờ các cháu, nhiều cụ không có người thân nên rất thương các cụ” – điều dưỡng Phạm Thị Cúc tâm sự.

Phạm Thị Cúc kể, làm nghề này phải cực kỳ kiên nhẫn, đôi lúc phải nói, phải làm lặp đi lặp lại, nghe đi nghe lại một câu chuyện, trả lời không biết bao lần một câu các cụ hỏi đi hỏi lại nhiều lần...Mặc dù công việc vất vả, phải theo sát các cụ sớm khuya và làm việc theo ca, nhưng Đặng Ngọc Trâm, quê Ninh Bình rất yêu thích công việc này. Niềm vui nho nhỏ của những điều dưỡng như Trâm, như Cúc đôi khi là thấy các cụ ăn nhiều thêm một chút, khỏe hơn một chút.

“Mỗi ngày nhìn thấy các cụ tươi vui lên thì mình cảm thấy vui. Mỗi bữa ăn các cụ ăn nhiều lên, các cụ khen hôm nay cơm ngon các cụ ăn hết, lại cảm thấy vui...” – Trâm chia sẻ niềm vui giản dị mỗi ngày của mình.

Các điều dưỡng cho biết, với những công việc khó khăn, nặng nhọc, mọi người cùng giúp đỡ nhau hoàn thành, sống với nhau như một gia đình, có ông bà, cha mẹ, có anh chị em...Bởi thế, Trâm, Trang, Cúc và biết bao điều dưỡng khác đều mong muốn gắn bó lâu dài với công việc này.

Cứ như thế, công việc cuốn những nhân viên điều dưỡng ngày này qua ngày khác. Và đơn giản, họ yêu công việc này như chính cuộc sống của họ vậy./.