Ngày 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cùng với sự phối hợp của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) và tổ chức Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei - Giải Sin-hoe).

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10 năm 2020 chắc chắn là loài rùa Hoàn Kiếm, hay còn gọi là Giải Sin-hoe, tên khoa học là Rafetus swinhoei.

Sự khẳng định này cho thấy ngoài cá thể rùa đực hiện đang sống tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc, giờ đã có thêm một cá thể rùa cái tại hồ Đồng Mô, Hà Nội, Việt Nam.

Cơ quan chức năng tin rằng vẫn còn có ít nhất một cá thể của loài này ở hồ Đồng Mô và một cá thể nữa ở hồ Xuân Khanh gần đó. Các nhà bảo tồn hy vọng có thể bẫy bắt và xác định giới tính của các cá thể rùa ở cả hai hồ Đồng Mô và Xuân Khanh trong mùa xuân tới.

Các nhà bảo tồn hướng tới mục tiêu đảm bảo ít nhất một cá thể đực và một cái thể cái có cơ hội ghép đôi sinh sản, nhằm vực dậy loài này từ bên bờ vực tuyệt chủng.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải thực hiện hiệu quả. Sở cũng đã tham mưu với UBND thành phố để ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức quốc tế bước đầu thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển các cá thể Giải sin-hoe.

Loài rùa mai mềm có trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Ông Timothy McCormack, Giám đốc Chương trình của ATP / IMC cho biết: “Tôi đã vô cùng vui sướng khi hay tin cá thể rùa đã được bẫy, bắt thành công vào tháng 10 vừa qua. Sự thành công này rất quan trọng trong việc cung cấp thêm các dữ liệu bổ sung về loài rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô".

Bước tiếp theo sẽ là bẫy, bắt cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh để xác định giới tính của cá thể rùa này. Tùy thuộc vào giới tính của cá thể rùa ở Xuân Khanh để lựa chọn tối ưu để thực hiện công tác nhân giống bảo tồn tại Việt Nam và đưa loài thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. "Đó sẽ là một phép màu và tôi hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực” - ông Timothy McCormack khẳng định.

Trong một năm đầy rẫy những biến động và tin buồn về dịch bệnh trên toàn thế giới, việc phát hiện ra cá thể cái này mang tới niềm hy vọng rằng rùa Hoàn Kiếm hay còn gọi là Giải Sin-hoe (tên khoa học là Rafetus swinhoei) sẽ có thêm một cơ hội để tồn tại.

"Săn bắt quá mức và sự hủy hoại sinh cảnh sống gây nên sự diệt vong của rùa Hoàn Kiếm. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của chính phủ, chúng tôi quyết tâm cùng hợp tác và hành động để loài rùa mai mềm này có thêm một cơ hội tăng số lượng quần thể” - Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, tổ chức WCS Việt Nam bày tỏ.

Trước đó, đã có nhiều nỗ lực nhằm ghép đôi sinh sản hai cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Nhưng sau đó, cá thể cái cuối cùng được biết đến vào thời điểm đó, đã chết vào ngày 13 tháng 4 năm 2019 trong quá trình hồi phục sau gây mê khi thụ tinh nhân tạo ở Tô Châu, Trung Quốc. Hai cá thể rùa đực và cái đã không thể sinh sản tự nhiên kể từ khi chúng nhốt chung từ năm 2008. Cả hai cá thể đều khỏe mạnh để tham gia quá trình nhân giống, và quy trình gây mê tương tự trước đó đã được thực hiện mà không có sự cố gì xảy ra. Khi cá thể cái chết, niềm hy vọng dồn sang khả năng có tồn tại các cá thể khác ở hai hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh của Việt Nam.