Hội nghị diễn ra trong 13 ngày, từ ngày 1/11 đến ngày 12/11 với sự tham gia của 120 nhà lãnh đạo trên thế giới và các đoàn đại biểu từ tất cả các nước thành viên Hiệp định Paris.

COP26 có tính cấp thiết và đặc biệt nhất

Sau Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu rồi Nghị định thư Kyoto, đến năm 2015 nhân loại được ràng buộc bởi Hiệp định Paris - cam kết toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu, được thỏa thuận tại COP21 diễn ra tại Pháp.

COP21 có 170 quốc gia tham gia đạt được thỏa thuận: Giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng lí tưởng nhất của Hiệp định này là giữ ở mức 1,5°C.

“Muốn giữ cho nhiệt độ tăng trong khoảng 2°C thì năm 2030 đỉnh phát thải của thế giới phải giảm dần và thậm chí bằng 0 vào cuối thế kỷ thì may ra…Tuy nhiên kỳ vọng và thực tiễn là khoảng cách còn quá lớn” - GS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, cho biết.

Như vậy, thập kỷ từ nay đến năm 2030 vô cùng quan trọng. Thế nhưng, tính từ cam kết tại COP21 lịch sử đó đến nay, việc giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C là điều khó xảy ra. Hiện tại, trái đất đã nóng lên khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và vẫn đang đi trên quỹ đạo ấm lên dự kiến là 2,7 °C. Vì vậy COP26 là Hội nghị mang tính quyết định.

Đáng lẽ COP26 đã diễn ra trong năm 2020 nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên phải hoãn. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới quyết định cơ hội cứu Trái đất khỏi vấn đề nóng lên toàn cầu và một loạt hậu quả khác, bao gồm di dân hàng loạt, tranh giành thực phẩm, nước uống trên toàn cầu…

Thủ tướng Anh - Boris Johnson trả lời phỏng vấn Đài Channel 4 News rằng: "Nếu chúng ta không giữ được tia hy vọng ở COP , nhân loại sẽ đối mặt với vấn đề thật sự".

Tại sao là con số 1,5°C và dưới 2°C?

Báo cáo đánh giá thứ 2 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) và Hội đồng Môi trường Châu âu (EUEC) đã lần đầu tiên đưa ra giới hạn tăng nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất là 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại COP15 (năm 2009) diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch, khoảng 100 nước tham gia và thống nhất đưa ra giới hạn sự ấm lên toàn cầu xuống mức dưới 1,5°C.

Sự tranh cãi này cho thấy nhiệt độ trái đất tăng thì mức ảnh hưởng đến các vùng, lãnh thổ là khác nhau, nhất là các quốc đảo nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do băng tan.

Mặc dù vậy, đến Thỏa thuận Paris (2015) - hay còn gọi COP21 đã đặt ra mục tiêu là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ tăng ở mức dưới 2°C và theo đuổi các nỗ lực để hạn chế nhiệt độ tăng không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

“Nhiệt độ tăng là không thể dừng được. Nhân loại cố gắng chỉ tăng ở ngưỡng chấp nhận được. Các nhà khoa học xác định tăng ở mức dưới 2°C thì hệ sinh thái và con người còn có thể thích ứng, nhưng nếu hơn 2°C thì quá rủi ro”- GS Trần Thục trả lời VOV2.

Các nghiên cứu quốc tế đều nhận định “tăng không quá 1,5°C” là con số lý tưởng nhất. Báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc thông qua tháng 8/2021 chỉ rõ: Càng vượt quá 1,5°C, càng tạo ra nhiều rủi ro khó lường và nghiêm trọng.

“Mực nước biển trung bình toàn cầu tăng trên phạm vi có thể xảy ra - lên đến 2m vào năm 2100 và 5m vào năm 2150 - không thể bị loại trừ trong kịch bản phát thải cao nhất, do sự không chắc chắn trong các quá trình hoạt động của băng. Mực nước biển dâng sẽ tiếp tục trong hàng trăm đến hàng nghìn năm ngay cả trong những con đường khí hậu tham vọng nhất” (Trích từ báo cáo)

Môi trường sống bị đe dọa, hủy hoại sẽ tác động mạnh đến sức khỏe con người, nhất là người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính. “Khi nhiệt độ trung bình tăng thêm 1°C thì tỷ lệ nhập viện của trẻ em từ 0-2 tuổi tăng 3,4% và tỷ lệ nhập viện ở trẻ từ 3-5 tuổi tăng 4,6%, tỷ lệ nhập viện ở trẻ dưới 5 tuổi do các nhiễm khuẩn hô hấp tăng 3,8%” - GS Trần Thục cho biết thêm. Biến đổi khí hậu tạo thuận lợi cho vector truyền bệnh phát triển làm tăng khả năng bùng phát và lây lan các bệnh dịch như: cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), tiêu chảy, dịch tả, lỵ, sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, thương hàn, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), dịch hạch, zika.

Bốn mục tiêu theo đuổi của COP26

-Bảo vệ mục tiêu phát thải toàn cầu bằng 0 và qua đó giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5°C vào giữa thế kỷ này;

-Thích ứng với Biến đổi khí hậu để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên;

-Các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm;

-Cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết làm cho Thỏa thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Việt Nam và COP26

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã có mặt tại Anh (31/10) để tham dự COP26 và có bài phát biểu tại đây.

Tháng 9/2020 Việt Nam là một trong 20 quốc gia (trong tổng số 186 nước) hoàn thiện và gửi bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) lên Ban Thư ký Công ước. Trong đó:

-Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030: Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.

- Về thích ứng với biến đổi khí hậu: Các giải pháp được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực và cho từng khu vực. Một điểm mới là NDC cập nhật của Việt Nam đã bổ sung nội dung về “hài hòa và đồng lợi ích”.