Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội làm phương tiện kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu... Mạng xã hội là thế giới mở, nơi con người ta có thể dễ dàng bày tỏ những quan điểm cá nhân, đăng tải những hình ảnh, truyền đi những thông tin, thông điệp tới rất nhiều người. Tuy nhiên, không ít người lạm dụng các quyền đó để đăng tải những thông tin, hình ảnh, video mang tính giật gân, kích động, thậm chí là rùng rợn nhằm tăng tương tác, thu hút sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng. Điều muốn nói ở đây là sự vô cảm của những người quay và đăng tải video clip có nội dung độc hại lên mạng xã hội, khi mà những tội ác, những sự rùng rợn được miêu tả trần trụi, cụ thể, bất chấp tất cả để thu hút sự quan tâm của cả triệu cư dân mạng, trong đó có nhiều thanh thiếu niên. Sự vô cảm này sẽ dẫn đến những hệ luỵ gì? Liệu có thể coi đó là sự “tiếp tay” lan truyền tội ác?

Lướt mạng ngày nay, không quá khó để chúng ta có thể tìm thấy những video độc hại, rùng rợn trên mạng xã hội. Nếu bạn thao tác tìm kiếm trên Google Search thì chỉ trong vòng chưa đầy 1 giây đã cho hơn 1 triệu kết quả. Trong đó nổi bật là nhiều video ghi lại cảnh 3 cô con gái đổ xăng đốt nhà của mẹ đẻ ở Hưng Yên do mâu thuẫn việc phân chia tài sản; video về hành vi giết người ở một số tỉnh, thành ngày 24/10 vừa qua, hay video 2 vụ bạo lực học đường của các thiếu niên lớp 7-8 (25/10) được lan truyền chóng mặt…. Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền nhiều vụ việc như đánh ghen, tai nạn giao thông, nhóm thanh niên cầm hung khí đánh nhau giữa phố… Điều đáng nói là nhiều người đứng lại quay video vụ việc, sau đó đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội. Từ đó, hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ phát tán các clip mang tính chất bạo lực, rùng rợn này.

Theo TS Phạm Hải Chung, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc lan tràn những video độc hại này gây những hệ lụy khôn lường. “Đó không chỉ là sự vô cảm mà nhiều khi nó còn là tiếp tay cho tội ác. Đôi khi một hành động chia sẻ của chúng ta về nội dung bạo lực, có thể tác động theo đám đông, tác động vào danh tiếng của một cá nhân hay một tổ chức; một nút chia sẻ thông tin giả của chúng ta cũng có thể tác động tới xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia” – TS Phạm Hải Chung nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Statista, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Mỗi ngày, người dùng Việt Nam dành tới gần 7 giờ đồng hồ để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Nếu các video độc hại bị lan truyền với thời lượng lớn sẽ gây tình trạng “ô nhiễm giá trị nhân văn”, bởi sẽ có rất nhiều người bị tiếp nhận thông tin thụ động. Thậm chí đó có thể sẽ là một trong những tác nhân nhân lên sự vô cảm trong xã hội. Chính vì vậy, TS Phạm Hải Chung cho rằng, để hạn chế tình trạng phát tán các video độc hại trên mạng xã hội thì quan trọng nhất vẫn là ý thức, nhận thức của chính người dùng. “Bản thân tôi thực sự rất ám ảnh với những video kiểu đó, dù chỉ thoáng qua vài giây. Đương nhiên, với một vai trò là người nghiên cứu và giảng dạy về báo chí, truyền thông thì một trong những thao tác đầu tiên của tôi khi bắt gặp những nội dung như vậy là bấm nút báo cáo. Hãy là người dùng có trách nhiệm. Chúng ta ngoài sử dụng nút like, share thì cũng cần biết sử dụng nút spam để báo cáo những nội dung vi phạm” – TS Phạm Hải Chung bày tỏ.

Thực ra, không phải đến bây giờ các video độc hại mới xuất hiện trên mạng xã hội. Không ít lần việc đăng tải những video kiểu độc hại này đã bị đề nghị xử lý. Thế nhưng những clip tương tự, thậm chí mức độ rùng rợn, độc hại ngày càng tăng lên. Trong bối cảnh các mạng xã hội “trăm hoa đua nở”, Youtube, Tik Tok… phát triển mạnh như vũ bão, chúng ta rất cần “bộ lọc” để ngăn chặn những video độc hại, tránh tình trạng sai rồi mới sửa, vi phạm rồi mới xử lý và xử lý cũng không xuể. “Hiện nay, chúng ta đã có Luật An ninh mạng nhưng có lẽ chế tài chưa đủ mạnh, mức phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Cần phải tăng mức phạt, có chế tài mạnh mẽ hơn để xây dựng môi trường văn minh trên môi trường số” – TS Phạm Hải Chung đề xuất.

Hãy có trách nhiệm với “dấu chân số” của mình, không tiếp tay cho tội ác và sự vô cảm. Hãy sử dụng mạng xã hội một cách hiểu biết và có trách nhiệm. Mỗi người cần tỉnh táo nhận diện được thông tin thật, giả, xấu độc để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi. Và điều quan trọng nữa, hãy là người có trách nhiệm khi đăng tải những video có nội dung kích động, rùng rợn. Bởi chỉ bằng một hành vi rất đơn giản là bấm nút share (chia sẻ) trên mạng xã hội, nếu không cẩn trọng rất có thể vô tình chúng ta đã góp phần reo rắc thêm tội ác ở một nơi nào đó và hậu quả khó đong đếm được. Đừng vô cảm, bởi rất có thể một lúc nào đó, chính bạn sẽ lại là nạn nhân của sự vô cảm ấy.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: