Đòn roi để trút giận?

Xưa kia, cha ông ta thường dạy con theo cách “yêu cho roi cho vọt”. Nhiều người đã trường thành từ cách giáo dục này. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này dường như không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Bởi thực tế cho thấy, nhiều ông bố, bà mẹ đang dùng “đòn roi” với con mà không hoàn toàn xuất phát từ sự yêu thương. Chị Vũ Thị Kim ở tỉnh Quảng Bình thừa nhận lần nào cũng vậy, đánh con xong, con đau vì những vết roi thì mình cũng đau lòng không kém. “Làm mẹ, đánh con xong con khóc em cũng khóc. Nhưng khi đó con nghịch quá nên em không kìm chế được”, chị Kim chia sẻ.

Biết rằng đánh con là để cho hả cơn giận hơn là để dạy con, dẫu vậy, suốt nhiều năm qua chị Kim vẫn không kìm chế những cơn nóng giận khi con không vâng lời. Chị lý biện minh, lý do phải dùng “roi, vọt” là vì chị từng được dạy bảo theo cách này. Muốn con “nên người” nên chị cũng muốn dùng “biện pháp mạnh” đó để uốn nắn con.

Mãi đến khi được Hội phụ nữ của địa phương mời tham gia một lớp tập huấn về kỹ năng dạy con, chị Kim mới bình tâm xem xét phương pháp dạy con của mình. “Em thấy việc dùng đòn roi không hiệu quả. Con ngày càng lì hơn sau mỗi lần tôi trút giận. Khi em giành thời gian tâm sự với con, hiểu con hơn, con hiểu mẹ hơn thì lúc ấy con em mới thay đổi, ngoan hơn”, chị Kim chia sẻ.

Tương tự, chị Thảo Mai ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên mất kiểm soát cảm xúc trước sự ương ngạnh của hai cậu con trai. Hệ quả là sau những cái chau mày, gặn giọng, chị đã đánh con. “Tôi đã đánh con nhiều lần vì thấy con còn nhỏ mà hay nói dối mẹ”, chị Mai thổ lộ.

Lý giải về việc phải dùng “đòn, roi” với con, chị Mai cho biết, hai cháu đang học ở cấp tiểu học, cách nhau chỉ 2 tuổi và rất hiếu động. Chồng công tác xa, một mình vừa đảm đương việc đồng áng vừa lo nuôi dạy các con. Mệt mỏi, lại bị ức chế bởi sự bướng bỉnh của các con nên chị dễ nổi cáu, quát mắng và dùng roi, vọt khi các con không nghe lời.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng chị Mai, chị Kim mà nhiều ông bố, bà mẹ đều muốn con mình tốt lên mà dùng “đòn roi”. Tuy nhiên, những hành động ấy trong thời điểm đó có lẽ không xuất phát từ sự yêu thương. Nếu nói rằng “yêu cho roi cho vọt” chỉ là lời biện minh cho những hành động chưa đúng với chuẩn mực xã hội ngày nay.

Hậu quả từ phương pháp dạy con bằng đòn roi

Một điều dễ nhận thấy là “đòn, roi” thường không khiến trẻ nghe lời mà những đứa con của chị Kim, chị Mai chỉ là hai trong số biết bao những đứa trẻ như thế. Khoa học đã chứng minh sau khi cha mẹ dùng đòn roi để dạy con cũng chính là lúc con bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và thể chất. Khi con bị đánh đập bằng đòn roi cũng chính là lúc con cảm thấy thất vọng về bản thân và chán ghét cha mẹ. Nếu con cái bị đánh đòn quá nhiều sẽ dẫn đến chai sạn cảm xúc thậm chí là vô cảm, lãnh đạm với người xung quanh. Có nhiều đứa trẻ bị trầm cảm hay tự kỷ cũng chính vì môi trường mà chúng sống chỉ toàn là đòn roi khiến chúng trở nên sợ hãi. Thậm chí, khi lớn lên chúng còn có xu hướng bạo lực trở lại với bố mẹ cũng vì thuở nhỏ chúng đã phải chịu rất nhiều đòn roi, lời nói cay nghiệt từ bố mẹ.

Qua nghiên cứu, bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cũng lo lắng về sự tổn thương bên trong hơn là những vết thương trên thịt da khi trẻ bị bạo hành. “Các em nhỏ khi bị đòn roi nhiều thường có sự rối loạn về hành vi, đạo đức”, bác sỹ An nhấn mạnh.

Luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực với trẻ em

Theo Luật sư Nguyễn Trí Tú, Giám đốc Công ty Luật Minh Đức Việt Nam, hệ thống pháp luật của Việt Nam trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất đầy đủ, theo đó nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em. Cao nhất phải kể đến là quy định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013: Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực trẻ em vẫn còn tiếp diễn là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. “Tôi thấy iều cha mẹ vẫn còn dạy con theo kiểu yêu cho roi cho vọt. Đó là quan niệm sai lầm. Tôi nghĩ nguyên nhân do công tác tuyên truyền về pháp luật bảo vệ trẻ em thời gian qua chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Chúng ta cần tuyên truyền đến mọi người dân. Việc thực thi pháp luật về các hành vi xâm phạm trẻ em cũng cần nghiêm minh hơn để tăng sức răn đe”, luật sư Nguyễn Trí Tú bày tỏ.

Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh, một nhà nước pháp quyền. Mọi hành vi, lời nói và việc làm phải được thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật. Cha mẹ dù yêu thương con đến mấy cũng không thể viện cớ dạy con để có những hành vi chưa đúng với chuẩn mực xã hội ngày nay cũng như quy định pháp luật đối với trẻ em. Nếu yêu thương con hãy tìm một phương pháp khoa học để giáo dục con.

Nghe nội dung bài viết dưới đây