Sáng 08/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bước vào đợt họp thứ hai với phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Đánh giá về giai đoạn khó khăn của nền kinh tế-xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh, ổn định nền kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo an sinh xã hội...

Ông Phan Đức Hiếu (ĐBQH Thái Bình) nhận định, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay để phục hồi nền kinh tế là nguồn nhân lực. Chúng ta đang đứng trước tình huống chưa từng xảy ra là người lao động thì thất nghiệp trong khi doanh nghiệp lại đang thiếu lao động. Thậm chí một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ... đang thiếu 30-40% lao động.

Do vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần phải có giải pháp cả về trước mắt và lâu dài. Trong đó về trước mắt các địa phương cần có kế hoạch để đưa lao động trở lại. Đặc biệt, các địa phương phải cần có sự phối hợp, thống nhất và có thông tin cụ thể về cung-cầu nguồn nhân lực để hỗ trợ người lao động.

“Về lâu dài, lao động là nguồn lực quan trọng của đất nước. Vấn đề lao động giờ đây không chỉ là chất lượng kỹ năng, kết nối cung – cầu lao động mà còn là hệ sinh thái cho nguồn nhân lực. Do vậy, cần phải đảm bảo các chế độ y tế, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, chính sách an sinh… để người lao động yên tâm sản xuất”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Để phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cũng nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa tới công nhân, người lao đông. Ông cho rằng, trước đây việc kéo lao động từ nông thôn ra thành thị vốn đã khó khăn nhưng giờ đây còn xuất hiện tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn thành phố nhưng vẫn nhất quyết về quê, doanh nghiệp không thể giữ chân được người lao động kể cả khi Chính phủ đang đẩy mạnh chính sách mở cửa.

“Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ, là động lực phát triển kinh tế đất nước”, ông Trần Văn Khải đánh giá.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. Việc hỗ trợ này bao gồm cả việc kết nối cung-cầu lao động, kiến tạo các cơ hội, hỗ trợ tài chính để họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn.

“Tạo sinh kế cho người lao động tìm việc, tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số biện pháp tuyên truyền hướng dẫn bảo vệ sức khỏe phù hợp giúp họ yên tâm tâm lý để quay trở lại làm việc”, ông Trần Văn Khải kiến nghị.

Thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022… bà Nguyễn Minh Tâm (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nhận định, do tác động của dịch COVI-19, hai năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình trong năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp và khó khăn.

Từ thực tế này, bà Nguyễn Minh Tâm cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân để duy trì nguồn cung lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng. Đặc biệt lao động nữ, lao động không có trình độ kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

“Cần tập trung vào việc kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa mở trở lại bình thường”, bà Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Minh Tâm cũng kiến nghị đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.