Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn có một gia đình hạnh phúc, vẹn tròn, bởi khi gia đình thiếu khuyết kéo theo nhiều hệ lụy xấu. Và khi bố mẹ vạn bất đắc dĩ phải ly hôn thì đối tượng chịu tác động nhiều nhất không ai khác chính là con trẻ.

Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, bố mẹ ly hôn khiến con dễ bị trầm cảm, tăng tỷ lệ bỏ học, xu hướng phạm tội cũng gia tăng… và con đường dạy con trưởng thành cũng không đơn giản.

Với chị Phạm Mai Anh ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, nỗi dằn vặt lớn nhất đó là sự đổ vỡ của gia đình đã tác động lớn đến con, nhất là khi con chị đang ở tuổi 13, tuổi có nhiều thay đổi. Ý thức được điều đó nên chị Mai Anh rất chú ý để bù đắp những thiệt thòi cho con. Một thân một mình nuôi con, phải đối mặt với nỗi lo kinh tế đã đành, điều chị lo hơn là việc nuôi dạy con lên người. Và điều đó cũng chi phối khiến chị chưa dám nghĩ đến việc đi bước nữa.

Chị Mai Anh chia sẻ: “Phụ nữ ai cũng muốn có gia đình hạnh phúc nhưng với người đã một lần đổ vỡ như tôi có lẽ việc xây dựng gia đình lần 2 sẽ khó khăn hơn. Bởi không biết khi về với nhau có hợp nhau không? Liệu người mới có đủ yêu thương con mình không? Lúc nào tôi cũng hướng đến con trước tiên”.

Cũng chính vì điều lo lắng này mà chị Nguyễn Minh Phúc ở phường Nghĩa Tân, Hà Nội dùng dằng rất nhiều năm mới quyết định ly hôn khi chị có 2 cô con gái ở tuổi lên 8 và 12. Luôn sợ rằng các con sẽ thiệt thòi khi phải sống cuộc sống không đầy đủ bố mẹ, nhưng rồi chị Minh Phúc nhận ra khi bố mẹ sống không hạnh phúc, suốt ngày cãi vã vì người chồng sống thiếu trách nhiệm và bê tha thì còn ảnh hưởng nặng nề hơn đối với con cái. Và giờ, sau khi ly hôn gần 2 năm nay, cuộc sống của 3 mẹ con chị Phúc nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì đã làm công tác tư tưởng, chuẩn bị tâm lý đối với các con từ trước.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức để mang lại những điều tốt nhất cho con nhưng chị Minh Phúc vẫn canh cánh một nỗi niềm sợ các con vì sự thiếu khuyết của gia đình mà khó trưởng thành vững vàng được, bởi các con của chị nay mới bước vào tuổi lên 10 và 14.

Những bà mẹ như chị Minh Phúc, chị Mai Anh hay nhiều bậc cha mẹ ở những gia đình khuyết thiếu sau li dị, có thể họ đều đã luôn cố gắng hết mình để bù đắp những thiệt thòi cho con, nhưng cũng chưa thể yên lòng bởi con đường trưởng thành của các con vẫn còn những chặng dài ở phía trước. Nuôi dạy con trưởng thành đã khó, để con trưởng thành vững vàng ở những gia đình khuyết thiếu còn khó hơn vạn lần.

Theo thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam, để con vững vàng tâm lý sau ly hôn, các bậc cha mẹ cần có bước chuẩn bị tâm lý đối với con mình trước khi quyết định không sống với nhau nữa. Cần tìm thời điểm và cách thức phù hợp để thông tin và phân tích cho con hiểu. Tuyệt đối không nên giấu con về tình trạng hôn nhân của bố mẹ bởi nếu con bất ngờ biết được sự thật sẽ gây ra những hệ lụy nặng nề hơn.

Bố mẹ dù không còn đi chung đường không có nghĩa là chấm dứt việc cùng nhau giáo dục và thương yêu con cái. Việc tòa án phân chia nuôi dưỡng chỉ là về mặt pháp lý chứ không ngăn cách tình cảm. Vậy nên, cách tốt nhất để con vững vàng trưởng thành trong các gia đình thiếu khuyết sau ly dị là cả bố và mẹ vẫn phải dành thời gian và tình cảm chân thành đối với con trẻ. Tích cực trò chuyện, gần gũi con thường xuyên để hiểu con và con cũng hiểu mình, thậm chí chơi cả với bạn của con để biết và kịp thời định hướng cho con.