Dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch. Ngoài ra còn một số điều chỉnh khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quy định sau gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2011.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn Quảng Bình cho rằng: Dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khá chi tiết, hoàn thiện hơn và sát với cuộc sống hiện tại hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nên xem xét lại Điều 56 của Dự thảo luật bởi trong Điều này có nhấn mạnh đến vấn đề thương lượng của người tiêu dùng nhưng thực tế quy định này không phù hợp với bản chất của thương lượng.

Nêu ví dụ về chuyện con ruồi có trong chai nước ngọt cách đây vài năm, đại biểu Cường cho biết: Khi xảy ra vụ việc, người tiêu dùng và doanh nghiệp yêu cầu thương lượng, ban đầu không thành công. Sau vài ba lần, 2 bên thống nhất, doanh nghiệp bồi thường cho người tiêu dùng với số tiền 35 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền, người tiêu dùng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ vì hành vi của người tiêu dùng rất nguy hiểm do uy hiếp tinh thần người bị hại.

“Từ vụ việc này cho thấy, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần phải có những quy định rõ ràng, nhất là những vấn đề liên quan đến việc thương lượng như thế nào. Ngoài người tiêu dùng thì ai sẽ là người đứng ra làm trọng tài cho cuộc thương lượng đó, như thế mới thực sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh lặp lại tình trạng tương tự” – đại biểu Cường nói.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo luật đã bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó có hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Đại biểu Leo Thị Lịch – đoàn Bắc Giang nhìn nhận: Dự thảo luật đưa ra chương riêng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch điện tử là rất phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc các cấp trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cả trong mua sắm trực tiếp và trực tuyến. “Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường đã làm rất tốt việc chống hàng nhái, hàng giả qua hoạt động bán trực tiếp và online. Nếu như có sự góp mặt của Mặt trận tổ quốc, tôi nghĩ sẽ bảo vệ được nhiều người tiêu dùng trên các nền tảng mua sắm tốt hơn nữa” – bà Lịch bày tỏ.

Như đã nêu ngay ở phần đầu, để bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, Dự thảo luật đã bổ sung một Điều quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: “người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định pháp luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em; người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định pháp luật về công tác dân tộc; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo”.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Khanh – Đoàn Ninh Bình cho rằng: khái niệm, nội hàm “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương” như dự thảo đưa ra chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu. Thực tế, ngoài sự bất lợi về “sức khoẻ, tài sản”, người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như về danh dự, tinh thần… Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hoá, bổ sung đầy đủ những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu; hoặc sửa lại khái niệm người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bỏ cụm từ “sức khoẻ, tài sản”, để khái niệm có tính bao quát.

Dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Với những ý kiến mà các Đại biểu Quốc hội đóng góp, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có điều chỉnh cho phù hợp./.