Chính phủ vừa có dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 01 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, và số giờ làm thêm trong 01 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, tăng giờ làm thêm là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp. Nhiều người lao động cũng muốn có thêm thu nhập sau thời gian dài phải nghỉ việc do giãn cách xã hội, do mất việc làm. Tuy nhiên tăng giới hạn giờ làm thêm tối đa bao nhiêu để vừa đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động? Đây có lẽ là bài toán không đơn giản…..

Đề xuất tăng giờ làm thêm: Cả doanh nghiệp và người lao động đều đồng thuận

“Nếu làm thêm 72 giờ/tháng thì thu nhập có thể đạt mức 13-14 triệu đồng. Như thế, cuộc sống và sinh hoạt gia đình chắc sẽ ổn hơn”, đó là những trải lòng hết sức chân thành của chị Nguyễn Thị Thương, công nhân tại Xí nghiệp sơ mi, Tổng công ty May 10, Quận Long Biên, Hà Nội trước đề xuất tăng giờ làm thêm lên tối đa 72 giờ/tháng.

Gần 10 năm gắn bó với Tổng công ty May 10, đến thời điểm này nếu tính tiền lương cơ bản, mỗi tháng chị cũng được khoảng 9 đến 10 triệu đồng, còn tháng nào chị tăng ca, làm thêm giờ thì thu nhập tăng lên 12 đến 12,5 triệu đồng. Theo chị Thương, với mức lương này cho một gia đình nhỏ thì cũng phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày. Đó là chưa kể trong thời buổi “bão giá” như hiện nay, mặt hàng nào cũng tăng giá một cách phi mã nếu không biết cân đối chi tiêu thì khó mà tránh khỏi cảnh “giật gấu vá vai”. Bởi vậy, không những chị mà rất nhiều người công nhân khác đều muốn được làm thêm giờ ở mức tối đa.

Chị Thương chia sẻ: “Em còn trẻ nên không ngại làm tăng ca cũng vừa là cống hiến cho công ty vừa có thêm thu nhập để chăm lo cho 2 đứa con. Mỗi ngày làm thêm một chút như vậy cũng thuận lợi vì công ty có thêm bữa phụ ăn nhẹ hoặc sữa cho công nhân nên em chịu được”.

Cũng như chị Thương, từ thực tế công việc của một công nhân làm gạch ốp lát, anh Nguyễn Như Trường, Công ty cổ phần Catalan - đơn vị chuyên sản xuất gạch ốp lát, ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho hay, khi công ty có nhiều đơn hàng thì việc làm thêm giờ vừa là cải thiện thu nhập cho chính mình nhưng cũng cách mình thể hiện trách nhiệm với công ty.

“Với công việc và nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp, mỗi ngày chúng tôi làm thêm giờ từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Bình quân mỗi tháng chúng tôi làm thêm 20 đến 22 ngày. Và nếu điều kiện cho phép thì chúng tôi mong muốn được làm thêm từ 2 tiếng đến 2,5 tiếng/một ngày và từ 23 đến 24 ngày/tháng”, anh Trường bày tỏ.

Anh Trường cũng cho rằng, với thời gian làm thêm như thế, người lao động vẫn cải thiện thu nhập mà vẫn có khoảng thời gian nghỉ xen kẽ trong tuần, trong tháng để đảm bảo việc phục hồi sức khỏe.

Còn ở góc độ của doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc công ty May 10 cho biết: Vốn là ngành nghề chịu ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch covid- 19, đặc biệt sau Tết nguyên đán, số lượng công nhân trở thành F0, F1 tăng cao khiến nguồn nhân lực của các đơn vị thuộc Tổng Công ty May 10 khủng hoảng trầm trọng. Vì thế, các nhà máy phải tăng ca, dồn nhân công các dây chuyền để hoàn thiện những đơn hàng gấp. Trong bối cảnh như vậy, ông Long cho rằng, đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng là cần thiết và có ý nghĩa lớn giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. “Với dệt may, đặc thù mùa vụ rất lớn mà để lỡ tiến độ giao hàng, hàng không kịp xuống tàu, phải chuyển sang vận chuyển đường hàng không hoặc bị phạt hợp đồng… thì thiệt hại rất nặng nề. Trong những trường hợp đó, không còn cách nào khác, buộc phải thỏa thuận với người lao động về việc làm tăng ca”.

Theo thông tin từ ông Long: Hiện Tông Công ty May 10 có trên 12.000 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp thành viên ở 8 tỉnh, thành phố. Qua một cuộc khảo sát do đơn vị thực hiện, khoảng 90% lao động đều đồng thuận và mong muốn được nới giờ làm thêm giờ từ 40 giờ/tháng lên ít nhất 60 giờ/tháng, tăng giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm.

Đồng thuận với đề xuất tăng giờ làm thêm, tuy nhiên sau khi nghiên cứu Dự thảo nghị quyết, ông Long kiến nghị, không nên quy định trần số giờ làm thêm trong một tháng mà nên để doanh nghiệp tự linh hoạt trong việc điều chỉnh giờ làm thêm để phù hợp với điều kiện sản xuất của từng đơn vị và nhu cầu ở từng thời điểm khác nhau.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó giám đốc Công ty Catalan chuyên xuất khẩu gạch ốp lát, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh khẳng định công nhân cơ bản đồng tình làm thêm giờ.

“Nên nới giờ làm thêm theo năm để có doanh nghiệp thể linh hoạt điều chỉnh theo đơn hàng, ứng biến với đại dịch và tăng tối đa khoảng 300-400 giờ mỗi năm”, ông Nguyên kiến nghị.

Năm 2021, nằm ở "điểm nóng" Yên Phong (Bắc Ninh), công ty Catalan phải dừng, giãn việc kéo dài khi thực hiện giãn cách xã hội. Sang năm nay, nhiều thời điểm, công ty thiếu nhân lực cục bộ vì nhiều lao động trở thành F0. Là đơn vị có thế mạnh làm hàng xuất khẩu, chiếm tới 15% thị phần xuất khẩu gạch ốp lát tại Việt Nam, doanh nghiệp rất mong muốn đề xuất tăng giờ làm thêm sớm được thông qua để hoàn thành các đơn hàng xuất đi Châu Âu đã được ký kết.

Tăng giờ làm thêm chỉ nên là giải pháp tạm thời, cấp bách

Trao đổi với PV VOV2, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp Luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và đặc biệt là làm thêm giờ là vấn đề hết sức quan trọng đã được Quốc hội thảo luận một cách kỹ lưỡng khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, qua các lần sửa Bộ luật Lao động, giờ làm thêm đều đã được điều chỉnh tăng. Cụ thể, Bộ luật năm 2012 quy định trần làm thêm trong tháng là 30 giờ, Bộ luật năm 2019 nâng lên mức 40 giờ.

Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện Bộ luật Lao động năm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) chưa được bao lâu thì đại dịch Covid ập đến. Trong bối cảnh như vậy đề xuất tăng giờ làm thêm là cần thiết nhưng nên áp dụng trong thời gian nhất định.

“Tăng giờ làm thêm chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, tạm thời trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19", Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn laoViệt Nam nêu quan điểm.

Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, tăng giờ làm thêm không nên cào bằng ở tất cả các ngành nghề

“Nên giới hạn ở một số nhóm ngành nghề nhất định và giới hạn cho một số đối tượng”. Theo ông Quảng, một số đối tượng không được áp dụng đó là lao động chưa thành niên, lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động nữ làm công việc có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và nuôi con.

Về phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ngay khi Dự thảo ban đầu về vấn đề tăng giới hạn làm thêm giờ được đưa ra vào 9/2021, đã tổ chức thăm dò ý kiến đối với người lao động. Theo kết quả khảo sát này, đa số người lao động đều đồng ý với việc nới rộng giới hạn làm thêm giờ trong tháng và trong năm.

Tuy nhiên, thăm dò ý kiến người lao động chỉ là một kênh, bởi trong điều kiện người lao động có thu nhập rất thấp, thì họ có nguyện vọng làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống là điều dễ hiểu.

Nhưng để quyết định vấn đề này, cần phải nhìn nhận rõ ràng rằng giờ làm việc nói chung và làm thêm giờ nói riêng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động, liên quan đến năng suất lao động, tai nạn lao động, sức khỏe lâu dài của người lao động. Bởi vậy mức tăng như thế nào là hợp lý cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa đảm bảo chăm lo cho người lao động cũng như mối quan hệ thấu đáo giữa các bên trong quan hệ lao động.

Theo dự kiến, khoảng cuối tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức nới trần làm thêm giờ được Chính phủ đề xuất. Đây là vấn đề không dễ dàng, nhất là hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về đề xuất này, bởi vậy rất cần các cơ quan liên quan cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để hài hòa lợi ích các bên trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý.