Mục tiêu của chuyến công tác của ông Jean Todt, Đặc phái viên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về An toàn Đường bộ đang ở Đông Nam Á là vận động đầu tư nhiều hơn để mọi người có thể di chuyển an toàn và bền vững ở một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi tai nạn giao thông như Đông Nam Á. Đặc phái viên sẽ gặp các Bộ trưởng cũng như các bên liên quan trong khu vực tư nhân, khu vực công và NGO ở Thái Lan, Campuchia và tại Việt Nam (27-29/11) để vận động cho việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch Toàn cầu cho Thập kỷ Hành động vì An toàn Đường bộ 2021-2030 với mục tiêu giảm một nửa số nạn nhân tai nạn đường bộ vào năm 2030.

Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích ở Đông Nam Á. Với 1,3 triệu người thiệt mạng trên đường mỗi năm trên toàn thế giới, tai nạn đường bộ được xếp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trẻ từ 5 đến 29 tuổi, trong khi hơn 90% trường hợp tử vong trên đường xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 58% số ca tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO 2018), Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực với tỷ lệ tử vong lần lượt là 32,2 và 26,4 trên 100.000 dân, trong khi ở Liên minh Châu Âu, tỷ lệ tử vong là 5,4 trên 100.000 dân. Điều cần đặc biệt chú ý là xe mô tô hai bánh chiếm 40% số ca tử vong do tai nạn ở Nam Á (WB 2022). Do đó, cần khẩn cấp thực hiện các giải pháp đã được minh chứng là có thể cứu sống nhiều người, ví dụ như đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng đã được chứng nhận có thể giảm 42% nguy cơ tử vong và 69% thương tích (WB 2022).

Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về An toàn Đường bộ, ông Jean Todt nhấn mạnh: "Bên cạnh sự mất mát bi thảm của những người thân yêu, tai nạn giao thông còn kéo những người dễ bị tổn thương nhất vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói, từ chi phí y tế, thiệt hại vật chất, mất khả năng kinh tế và huy động các nguồn lực".

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về đầu tư tư nhân (WB 2022), các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế 1,7 nghìn tỷ đô la mỗi năm và từ 3 đến 5% GDP. Theo Ngân hàng Thế giới (WB 2016), chi phí do tai nạn đường bộ chiếm 8,9% GDP ở Việt Nam, trong khi chi phí này là 5,9% GDP của Campuchia (WB 2016). Điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào an toàn đường bộ.

Đặc phái viên sẽ kết thúc chuyến công du tại Hà Nội, nơi ông sẽ gặp gỡ các đại diện cấp cao của Chính phủ, các bên liên quan cũng như thăm một trường học và một nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm./.