Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, những ngày qua, hàng trăm nghìn người lao động đã ồ ạt rời các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để về quê. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp phải đối diện với thách thức khủng hoảng nghiêm trọng hơn về nguồn nhân lực.

Dự báo nhu cầu nhân lực ở các tỉnh thành phía Nam những tháng cuối năm

Ở thời điểm này, 19 tỉnh thành phía Nam đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, chiến lược phòng, chống dịch được điều chỉnh linh hoạt, hàng nghìn doanh nghiệp bắt đầu kế hoạch khôi phục lại sản xuất để, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Chính vì vậy mà những thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, dự báo nhu cầu nhân lực được các đơn vị chức năng của các địa phương tăng cường thực hiện, góp phần đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc làm của người lao động.

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp FDI với khoảng 3,2 triệu công nhân. Mới đây, qua khảo sát mà trung tâm thực hiện với 11.502 doanh nghiệp thì có đến hơn phân nửa người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid- 19.

Dự báo trong 3 tháng cuối năm nay, nhu cầu nhân lực tại thành phố cần khoảng 43.000 đến gần 57.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung ở các ngành như kinh doanh thương mại khoảng 23%, dịch vụ cá nhân chiếm gần 12%, đối với các khối ngành cần lao động liên quan đến kiến trúc kỹ thuật, công trình thủy điện chiếm khoảng hơn 3%...

Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tiếp tục chiếm tỷ lệ cao với khoảng trên 87% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm gần 13%.

Là địa phương cũng chịu nhiều thiệt hại trong đợt dịch vừa qua, tỉnh Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, dự báo Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động trong thời gian tới. Tỉnh Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1 triệu lao động. Thời gian qua, chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" với khoảng 250.000 lao động, như vậy khoảng 750.000 người lao động phải ngừng việc. Hiện các doanh nghiệp đang bắt đầu làm thủ tục để tiến hành hoạt động lại.

Tại Đồng Nai, theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, vào cuối tháng 9, sàn giao dịch việc làm trực tuyến đã thông tin đến người lao động các nhu cầu tuyển dụng. Hoạt động này nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19.

Cách doanh nghiệp tìm cách giữ chân người lao động

Trong bối cảnh nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực ngày càng nghiêm trọng, doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như cải thiện các chế độ phúc lợi an sinh ra sao để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại nơi làm việc?

Là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó phần lớn lao động đến từ các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre…nên ngay khi hết giãn cách xã hội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân đã bố trí xe về tận quê để đón công nhân lên TPHCM làm việc. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Cty PouYuen cho biết, từ tháng 6 năm nay, công nhân nghỉ việc ở nhà nhưng công ty vẫn trả lương đầy đủ theo mức tối thiểu. Đến tháng 9, mặc dù lúc này sức gồng gánh của công ty đã cạn kiệt nhưng vẫn trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH cho người lao động.

“Hiện nay, công nhân đang rất hoang mang lo lắng không biết khi nào được trở lại làm việc. Thực tế những tháng qua, họ đã rất vất vả để duy trì cuộc sống. Bởi vậy mà thời điểm này doanh nghiệp luôn ưu tiên tập trung quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động. Sức khỏe người lao động đảm bảo thì doanh nghiệp mới hoạt động và phát triển bền vững được”, ông Củ Phát Nghiệp khẳng định.

Cũng xác định, việc quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động phải luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 trong nhiều năm nay đã thực hiện rất tốt các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động. Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng bởi Covid- 19 vừa qua, ngoài việc nỗ lực tiêm vaccine cho 100% người lao động, công ty còn lập quỹ chăm lo cho người lao động để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó, mà ở thời điểm này khi các doanh nghiệp đang lo lắng nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực thì lãnh đạo công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 lại khá lạc quan vì đa phần người lao động đều gắn bó lâu năm với công ty và có tinh thần chia sẻ với doanh nghiệp.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đối với các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh mới, cần phải nhận thức rất rõ rằng chăm lo cho người lao động không phải chỉ là khoản chi mà chính là khoản đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn vốn con người mới là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, ngoài việc chăm lo tiền lương thu nhập, cũng cần phải quan tâm đến các chính sách an sinh khác, đặc biệt là chính sách nhà ở cho người lao động.

Ngoài ra, TS Lộc cũng cho rằng, một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém là phải tạo được môi trường làm việc tốt, thân thiện, có tình người. Sự quan tâm đó phải thực sự bằng tấm lòng của người chủ doanh nghiệp đối với người lao động. Ông Lộc chia sẻ, bản thân ông đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp không phải chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà ngay cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dù xảy ra những biến cố lớn nhưng hầu như không có người lao động nào rời khỏi doanh nghiệp.

Người lao động coi doanh nghiệp như gia đình của họ chứ không phải đơn thuần là quan hệ ông chủ- người làm. Và ngược lại chủ doanh nghiệp chăm lo đến người lao động như những thành viên trong chính gia đình của mình”, TS Lộc chia sẻ.

Đây là một mô hình mà ông Vũ Tiến Lộc cho rằng sẽ xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, tạo sự ổn định về nguồn nhân lực đến khả năng chống chịu trước các biến cố của các doanh nghiệp rất cao.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra khuyến nghị: Để đảm bảo nguồn cung lao động, các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Chúng ta bỏ một đồng chi cho an sinh xã hội thì có thể tạo được tâm lý và sự yên tâm cho người lao động, thu hút giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tạo ra sự hăng say và năng suất lao động cao. Các doanh nghiệp nên quan tâm lưu ý những việc nho nhỏ như vậy”, ông Vũ Trọng Bình nêu quan điểm.

Thay đổi cách tổ chức quản trị trong doanh nghiệp

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cho đến nay một bộ phận rất lớn lao động vẫn dựa vào ngành công nghiệp gia công năng suất thấp. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn nên lao động ở các vùng nông thôn bị hút hết ở một chỗ. Với cơ cấu như thế nên mỗi lần xảy ra biến cố như dịch bệnh hay thiên tai đều làm cho khả năng chống chịu của nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng.

Bởi vậy ngay từ bây giờ trong định hướng chiến lược, cơ cấu nền kinh tế quốc dân các doanh nghiệp phải từng bước chuyển sang sản xuất dựa trên giá trị gia tăng, dựa trên sự đổi mới sáng tạo. Chỉ bằng cách đó mới nâng cao thu nhập của người lao động. Và khi người lao động có tích lũy, ổn định đời sống thì dù dịch bệnh hay thiên tai xảy ra, họ vẫn có khả năng chống chịu.

Một vấn đề nữa quan trọng hơn mà TS Lộc nhắc tới là bằng cách nào đó phải xây dựng được hệ thống đô thị vệ tinh, không để người lao động tập trung vào những siêu đô thị lớn, tạo điều kiện để phân bổ công nghiệp. Những ngành sử dụng nhiều lao động có thể phát triển ở các vùng nông thôn để thực hiện chiến lược gắn công nghiệp với nông nghiệp, người lao động ly nông nhưng bất ly hương.

Được làm việc ngay trên chính quê hương mình, gần với gia đình sẽ tạo điều kiện cho người lao động dễ cải thiện cuộc sống, TS Lộc phân tích.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh mới, việc tổ chức quản trị doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi. Chúng ta đang đứng trước một cuộc chuyển đổi số, cuộc cách mạng 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ có hàng chục triệu người lao động trong ngành dệt may, giầy dép, điện tử, lao động giản đơn ở các nước đang phát triển sẽ không còn việc làm. Xu hướng sử dụng tự động hóa, cải tiến, quản trị chuyển đổi số sẽ thu hẹp lực lượng lao động. Trong hoàn cảnh đó người lao động muốn tiếp tục tồn tại và doanh nghiệp muốn tiếp tục có năng suất thì phải nâng cao trình độ người lao động, phải tạo ra một đội ngũ nhân lực lành nghề.