Đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Đông Á trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã có những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng bền vững và giảm nghèo. Tuy nhiên, khi tăng năng suất có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu gặp nhiều bất ổn và công nghệ tiến bộ nhanh chóng, để duy trì tăng trưởng kinh tế các quốc gia cần phải chuyển đổi sang những hình thức sản xuất mới và tốt hơn.

Theo Báo cáo Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia, có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ tại Việt Nam. Kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung tại Việt Nam - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng. Đồng thời, có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch Covid-19.

Mặc dù Việt Nam có tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Để thực hiện trọng tâm chiến lược về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo...

Trên bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam vẫn đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và năng suất lao động. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2021, Việt Nam xếp hạng 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). Tuy vẫn giữ vị trí hàng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng bị hạ 2 bậc so với năm 2020. Để khắc phục mặt hạn chế, tạo môi trường và động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giải pháp tập trung vào con người, nguồn lực con người có ý nghĩa rất quan trọng.

Để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, báo cáo cho rằng các nước cần định hướng lại chính sách để thúc đẩy sự “khuếch tán” của các công nghệ hiện có, không chỉ riêng sáng chế; hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực dịch vụ, không chỉ riêng ngành sản xuất; và nâng cao khả năng sáng tạo của doanh nghiệp. Thực hiện các chính sách đổi mới sáng tạo ở phạm vi bao quát hơn sẽ rất quan trọng để tăng năng suất cho một số lượng lớn các công ty trong khu vực./.