Nắm bắt nhu cầu của xã hội, nhiều dịch vụ chữa lành đã được tạo ra, từ mạng xã hội cho đến ngoài đời thực, với những "chuyên gia chữa lành", "huấn luyện viên chữa lành", "nhà tư vấn chữa lành"…Chi phí có thể từ vài trăm ngàn cho việc xem bói bài tarot cho đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng cho những khóa học chữa lành do các chuyên gia tự xưng đứng lớp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thay vì giúp chữa lành, họ lại mang đến cho khách hàng sự hoang mang, lạc lối, thậm chí là mất niềm tin.
Chữa lành đang ngày càng bị thực dụng hóa để kiếm chác lợi ích vật chất. Nhiều người sau khi tham gia hội thảo, các cuộc khảo sát lấy ý kiến, xem các video chữa lành đã bị cài cắm mua hàng, mua thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… rồi rước họa vào thân. Ngoài ra, còn có những khóa chữa lành tự kỷ, học viên không phải đóng tiền mà sẽ mua các dụng cụ vẽ và âm nhạc của giảng viên với số tiền còn nhiều hơn cả học phí. Những lớp học như thế được phát trực tiếp trong nhóm kín với gần 600 thành viên tham gia suốt từ Bắc vào Nam.
Nghề nào cũng cần những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, trong đó kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp là hết sức quan trọng. Người làm công tác tham vấn chỉ được phép giới thiệu thông tin trung thực về bản thân và dịch vụ của mình như danh tính, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, kinh nghiệm và không được quảng cáo mang tính hứa hẹn thành công chắc chắn cho thân chủ của mình.
Lại có những người đang coi các khóa học chữa lành như một xu thế. Thành công về tiền tài, danh vọng rồi cũng phải thành công về tâm linh mới hoàn hảo. Họ khoe học mất tiền mà vui vì phát hiện ra ngoài những người học “chữa lành” còn gọi là thanh tâm lọc ý, hay huấn luyện nội tâm… theo “trend”, còn nhiều cư dân cần “chữa lành” thật sự khi tự nhiên thấy chán chường, muốn buông xuôi tất cả. Học xong thấy mình còn sướng chán, về lại còn được giấy chứng nhận có dấu má hẳn hoi.
Ở nhiều quốc gia, để có thể tham gia hoạt động tư vấn tâm lý, một người phải được đào tạo chuyên sâu nhiều năm, thậm chí phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ chuyên ngành chứ không chỉ dừng lại ở bậc đại học. Người đó cũng cần có nhiều giờ thực nghiệm thực tế trước khi chính thức được hoạt động tư vấn tâm lý. Thế nhưng, ở nước ta hiện nay, ngoại trừ hoạt động của các bác sĩ tâm thần, chưa có quy định cụ thể về chức danh nghề nghiệp là tư vấn tâm lý. Bộ Y tế đang có lộ trình làm chuyên nghiệp hóa đội ngũ những người cung cấp dịch vụ tâm lý cho xã hội, hay còn gọi là chữa lành. Lúc đó, quản lý dịch vụ "chữa lành" sẽ đi vào quy củ, không còn tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện tại.
Giống như các khái niệm bền vững, sống xanh…, khi các sản phẩm được gắn thêm nhãn "chữa lành", người tiêu dùng sẽ cảm thấy hứng thú hơn. Thế nhưng, dùng nhiều quá sẽ dẫn đến "bội thực", khiến dư luận hiểu không đúng về chữa lành, ảnh hưởng đến các cơ sở, cá nhân hành nghề trung thực và nghiêm túc. Việc chuẩn hóa các dịch vụ chữa lành là rất cần thiết, tránh để xảy ra tình trạng "chữa lành thành què", "tiền mất tật mang", gây bất ổn cho xã hội.
Nguồn: Tổng hợp