- Phóng viên: Tết cổ truyền có nhiều thứ khiến chúng ta khắc khoải nhớ thương. Với anh, Tết cổ truyền luôn gợi cảm xúc đặc biệt gì?

- Anh Vũ Trung Đức: Đã trải qua hơn 30 cái Tết, 30 “nồi bánh chưng” rồi nhưng trong tôi vẫn luôn có cảm xúc rộn ràng, bồi hồi mỗi dịp cuối năm nhà nhà người người tất bật chuẩn bị đón Tết. Thời bé thơ là tâm trạng háo hức được đi chợ sắm Tết cuối năm cùng mẹ, được mua quần áo mới, dăm ba cây tò he đủ màu sắc xanh đỏ với hình thù ngộ nghĩnh…

Tôi nhớ, hai anh em ngồi quanh mẹt lá dong xanh mướt nhìn bố mẹ gói bánh chưng, lăng xăng lấy muối, lấy thịt, mấy bố con trải chiếu, mắc võng trông nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng suốt đêm… Xung quanh hàng xóm, người người nhà nhà rộn rã, tất bật trang trí nhà cửa, dọn dẹp đường làng ngõ xóm… Nhà nào có người thân đi xa thì Tết là dịp mừng vui, mong chờ và xúc động nhất khi đón những người thân trở về, và nhà tôi cũng vậy.

- Phóng viên: Nhiều người luôn mong chờ đến Tết cổ truyền bởi nó có mùi vị rất riêng. Mùi của hoa đào, hoa quất, bánh chưng xanh, của thịt mỡ, dưa hành… Với anh, Tết còn có thứ mùi đặc biệt gì?

- Anh Vũ Trung Đức: Đúng! Tết cổ truyền có những mùi vị rất riêng. Với tôi, đó là mùi của quần áo mới, trẻ con mà, “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”; mùi khen khét của pháo giấy… và mùi của những nồi nước mùi già tắm tất niên thơm lừng, sảng khoái vô cùng.

Ngày cuối năm, mẹ tôi sẽ sang nhà hàng xóm hoặc ra chợ quê “thửa” một nắm mùi già to tướng mang về rửa sạch, 2 anh em “phụ trách” đun nồi nước mùi để cả nhà cùng tắm rửa. Có lần là cả mấy nhà trong xóm chung nhau nấu 1 nồi nước mùi to “đại tướng”, trẻ con thay phiên nhau vừa trông bếp vừa cùng đùa nghịch, chơi những trò chơi “ngày xưa” như: pháo đất, ô ăn quan, cướp cờ… Đun xong, mỗi nhà mang chiếc thùng/ xô sắt sang múc nước mùi về tắm rửa.

- Phóng viên: Có phải luôn khắc khoải nhớ thương hương mùi già mà anh cùng bà con HTX Sinh Dược nghiên cứu để có sản phẩm “MÙI TẾT”?

- Anh Vũ Trung Đức: Quả thực, khứu giác của chúng ta có “trí nhớ” tuyệt vời, bao nhiêu năm rồi tôi vẫn luôn nhớ mùi thơm ngào ngạt, tươi mới của nồi nước mùi già ngày Tết. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, bận rộn ngày nay, không phải ai, không phải gia đình nào cũng có thể dễ dàng mua một nắm cây mùi già, nấu nồi nước xông ngào ngạt như ngày xưa…Các gia đình trẻ sống độc lập cũng có khi bận rộn mà bỏ quên phong tục này…Vì vậy, chúng tôi mong muốn - bằng cách của riêng mình mang đến cho mọi người, các gia đình trải nghiệm “tắm cây mùi già” mọi lúc, mọi nơi bằng bánh xà bông Mùi Tết, với tinh dầu mùi già nguyên chất.

- Phóng viên: Dường như đang có xu hướng người trẻ rời bỏ thị thành trở về quê sinh sống và lập nghiệp. Có người thấy cuộc sống thành thị áp lực, mệt mỏi quá; Có người thấy phố thị bụi bặm, ồn ào và muốn tìm một không gian sáng tạo mới. Với anh vì sao lại chọn về quê để lập nghiệp khi trước đó đã có một công việc ổn định tại thành phố?

- Anh Vũ Trung Đức: Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2011, tôi có một thời gian làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam tại Hà Nội. Tại đây, tôi có điều kiện tiếp cận với nhiều nét đặc sắc của các làng nghề truyền thống trên khắp đất nước Việt Nam. Điều này lại càng tiếp thêm “lửa” cho tôi quay trở về quê hương Sinh Dược của mình để khôi phục, phát triển truyền thống dùng thuốc Nam dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe.

Từ nhỏ tôi đã có sự yêu thích, quan tâm đặc biệt với thảo dược thiên nhiên địa phương, các bài thuốc cổ truyền của quê hương Sinh Dược cũng như thảo dược Việt Nam nói chung. Tôi có cơ hội tiếp xúc với các cây thuốc đủ loại quanh nhà, được chăm sóc bằng những cây thảo dược nhỏ bé nhưng hữu hiệu, an lành, ví dụ như: cúc tần, bồ kết, hương nhu, nhọ nồi… dần dần trong tôi hình thành những hiểu biết và tình yêu với cây thuốc…

Xa xưa, quê hương tôi vùng đất Sinh Dược cổ được mệnh danh là “vùng thuốc” với nhiều cây thuốc, bài thuốc quý, trong đó có những bài thuốc nổi danh như bài thuốc Tắm Vua của thiền sư, danh y Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông...

Nhưng tới hiện tại, nguồn dược liệu, truyền thống làm thuốc, dùng thuốc Nam tại địa phương chưa có những bước phát triển mạnh… Người dân chủ yếu thu hái thảo dược mọc hoang, tại vườn nhà rồi đem phơi, sấy, sao thành dược liệu thô để trữ dùng trong nhà hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Trong khi tại địa phương, cây thuốc thảo dược quý vẫn mọc hoang khắp các sườn đồi, dẻ núi.

Cũng vào thời gian đó, thị trường cũng đang dịch chuyển sang hướng “tiêu dùng xanh”, “tiêu dùng hữu cơ”… lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính… Mà trong nước lúc bấy giờ (quãng những năm 2010) mới chỉ lưu hành một số ít các sản phẩm thiên nhiên, đa phần là hàng nhập khẩu.

Tất cả những điều đó thôi thúc tôi mong muốn tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe chứa các cây thảo dược Việt Nam ...

Một lý do nữa khiến tôi quyết định trở về, khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm thảo dược là mong muốn vừa góp phần nhỏ của mình giải quyết khó khăn về việc làm tại địa phương, khi đó rất khan hiếm, vừa khai thác được tri thức sử dụng thảo dược được truyền nhiều đời của người dân địa phương.

- Phóng viên: Và anh đã tạo ra công thức cho con đường đi của mình?

- Anh Vũ Trung Đức: Nói “công thức” thì có vẻ khô khan quá. Nhưng tôi mong muốn tận dụng thế mạnh của địa phương (cây thuốc, bài thuốc, kinh nghiệm dùng thuốc), tạo việc làm cho người dân địa phương, cung cấp cho thị trường những sản phẩm lành sạch, tiện dụng, đồng thời lan tỏa truyền thống tốt đẹp của địa phương, của dân tộc.

“Nam dược trị Nam nhân”, chăm sóc sức khỏe từ chính những cây cỏ, bài thuốc thiên nhiên quanh mình, tôi đã quyết định hành trình ‘‘bỏ phố về quê” để tạo lập một sự ổn định mới, như thế.

- Phóng viên: Nhưng anh mất bao nhiêu thời gian để quyết định về Gia Viễn (Ninh Bình) và lập ra HTX Sinh Dược?

- Anh Vũ Trung Đức: Ý tưởng về quê thành lập HTX có trong mình từ thời sinh viên, những năm 2009. Và đến đầu năm 2014 mình mới tích luỹ đủ kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất và hiểu biết về mô hình HTX một cách chi tiết nhất, để đến tháng 5/2014 chính thức thành lập HTX Sinh Dược tại Gia Sinh.

- Phóng viên: Nhưng khi lập ra HTX Sinh Dược, anh thực sự đối mặt với thử thách nào?

- Anh Vũ Trung Đức: Khó khăn lớn nhất lúc đó là đầu ra của sản phẩm. Vì các sản phẩm của mình khá mới mẻ trên thị trường lúc đó (như là xà bông có thành phần cây thuốc Việt Nam, sản phẩm ngâm chân dạng muối kết hợp cao thảo dược…) nên số lượng đơn hàng ít; Người tiêu dùng khi đó cũng đang quen với các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên, hữu cơ của nước ngoài nhiều hơn; hoặc các sản phẩm công nghiệp cùng loại có giá cả cạnh tranh hơn. Mẫu mã sản phẩm lúc đó còn đơn giản, chưa bắt mắt…

Tuy nhiên, thách thức thì đi cùng với cơ hội, mình rất tự tin với chất lượng sản phẩm nên khách hàng sử dụng thấy tốt, kết hợp với khai thác hiệu quả các hình thức truyền thông, quảng cáo phù hợp qua internet nên dần dà, sản phẩm của HTX được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, cứ như vậy cho tới hôm nay.

- Phóng viên: Theo dõi những hình ảnh của Sinh Dược được chia sẻ trên mạng xã hội, tôi cảm thấy những bác nông dân rất vui, hạnh phúc. Họ vui bởi làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hay họ hào hứng với mô hình Hợp tác xã?

- Anh Vũ Trung Đức: Tôi nghĩ là cả hai điều trên và còn hơn thế nữa. Các thành viên HTX đều là các cô bác, anh chị trong thôn, trong xã với nhau; Họ hạnh phúc vì có việc làm ổn định, thu nhập tốt trên chính quê hương mình; Hơn nữa đó là những sản phẩm thảo dược thân thiện với môi trường, với con người (các xã viên bên mình rất khỏe, ít khi ai bị ốm – mọi người nói với nhau: chắc một phần do hàng ngày hít thở bầu không khí có mùi thảo dược, tinh dầu thiên nhiên…). Thi thoảng, lại được thấy hình ảnh mình, HTX mình trên tivi, trên đài báo – điều đó cũng vui mừng và tự hào lắm chứ (cười).

- Phóng viên: Và đó cũng là niềm hạnh phúc của anh?

- Anh Vũ Trung Đức: Đúng vậy! Xã viên hạnh phúc trên cánh đồng dược liệu của mình thì đó là niềm vui của Chủ nhiệm HTX. Tôi rất phấn khởi mỗi khi ngắm nhìn cánh đồng dược liệu xanh tươi của HTX mình. Đó là công sức, mồ hôi, tâm huyết của các thành viên HTX suốt quá trình nhiều năm, kiên trì theo hướng canh tác tự nhiên, hữu cơ để cho ra nguồn nguyên liệu thảo dược lành, sạch trong các sản phẩm Sinh Dược.

Bên cạnh đó cũng còn nhiều điều trăn trở làm sao có thể lan toả mô hình của mình rộng rãi hơn tới bà con, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất và người của Sinh Dược để phát triển bền vững.

- Phóng viên: Hiện HTX Sinh Dược có nhiều sản phẩm khác nhau như: Xà bông, tinh dầu, dịch vụ “tắm vua Sao Sa”, du lịch homestay, tranh lá bồ đề... anh đang nghĩ tới những sản phầm gì trong tương lai?

- Anh Vũ Trung Đức: Chúng tôi dự định vẫn tiếp tục sáng tạo nhiều hơn nữa các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc việc vệ sinh gia đình có thành phần hữu cơ, thảo dược… Đồng thời, kết hợp những yếu tố văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như góp phần lan tỏa văn hóa dân gian.

Ngoài xà bông, HTX Sinh Dược là nơi làm tranh lá bồ đề, ghi dấu ấn vùng đất Tràng An.

Ví dụ như Xà bông Mùi Tết mấy năm gần đây của chúng tôi – là sự kết hợp giữa sản phẩm chăm sóc sức khỏe và tục Tắm tất niên bằng nước đun cây Mùi già của cha ông ta từ xưa. Sản phẩm chỉ có trong dịp Tết; đã và đang nhận được sự yêu thích rất lớn từ người tiêu dùng. Mục tiêu của Sinh Dược là mỗi sản phẩm sẽ là một thông điệp về văn hoá bản địa của Sinh Dược, của Việt Nam.

Về mảng dịch vụ du lịch, trải nghiệm, chúng tôi mong muốn phát triển mạnh hơn mảng trải nghiệm thiên nhiên mang tính giáo dục cho các trường học trên địa phương cũng như cả nước.

Chúng tôi quan niệm: phát triển bền vững nên bắt đầu từ thế hệ trẻ; qua những hoạt động trải nghiệm như: thăm quan cánh đồng dược liệu, tìm hiểu về cây thuốc, truyền thống địa phương, cách phát triển thế mạnh địa phương thành các ngành nghề tạo ra sản phẩm dịch vụ hữu ích cho xã hội, các em, các bạn học sinh có thể phần nào được “truyền cảm hứng” về những giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước, về những điều an lành, tự nhiên của thiên nhiên quanh chúng ta.

- Phóng viên: Sau hơn 8 năm khởi nghiệp, anh có nghĩ mình là người thành công?

- Anh Vũ Trung Đức: Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về thành công. Với bản thân tôi, thành công là khi mình hôm nay làm được những điều mà ngày hôm qua mình mong muốn. Nếu hiểu như vậy, thì tôi cũng có một chút rất nhỏ những thành công của riêng mình rồi.

- Phóng viên: Có nhiều bạn trẻ về quê lập nghiệp nhưng không phải ai cũng thành công. Dĩ nhiên mỗi người có một con đường khác nhau nhưng để đưa ra một lời khuyên, chia sẻ, anh muốn nói điều gì?

- Anh Vũ Trung Đức: Không có một “công thức” cụ thể, chính xác để thành công. Mỗi người đều có trải nghiệm riêng, hướng đi riêng của mình… Nhưng với mình, tuổi trẻ hãy cứ Đam mê + Kiên trì, lao động miệt mài không ngừng nghỉ để biến ước mơ, đam mê của mình thành hiện thực.

- Phóng viên: Cảm ơn anh!