Khi bước vào hôn nhân, sau những tháng ngày hoa mật qua đi, nhiều cặp vợ chồng sẽ phải đối mặt với một thực tế khá phũ phàng, đó là một cuộc sống với không ít sự lo toan. Đi kèm với đó là hàng loạt áp lực bởi những cú sốc về văn hóa, tình cảm và trở nên lao đao khi những áp lực về tài chính bắt đầu xuất hiện, nhất là những “cú sốc” bởi những khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày, sinh đẻ, nuôi con ăn học...

Dịch Covid -19 bùng phát tiếp tục khiến cho cuộc sống mưu sinh càng thêm khó khăn và hạnh phúc của nhiều gia đình nhỏ cũng bị “lung lay”. Nỗi băn khoăn về sự gia tăng gánh nặng, lo sợ thất nghiệp dai dẳng và bởi không chắc chắn thời gian kéo dài của dịch khiến cho bất cứ ai, kể cả người vốn chi tiêu rộng rãi, phóng khoáng cũng cảm thấy lo lắng, bất an...

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là lái xe taxi cho một Công ty trên địa bàn Hà Nội. Ở những đợt dịch trước, lúc chưa giãn cách toàn thành phố, mỗi ngày anh còn chạy được vài ba chuyến để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày cho gia đình nhỏ. Nhưng đến đợt dịch lần thứ 4 thì anh nghỉ hẳn: “Bây giờ thì cất xe ở nhà trông con” - anh Tuấn chia sẻ.

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Luyến thì làm nhân viên văn phòng của một Công ty tư nhân. Dịch Covid-19 bùng phát, Công ty tạm thời đóng cửa vì không có khách hàng nên tất cả các nhân viên, trong đó có chị phải nghỉ việc. Nghỉ việc cũng có nghĩa là không còn thu nhập: “Thời buổi Covid như thế này thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi tiêu phải rất là dè dặt và tiết kiệm”.

Làm việc cho một công ty du lịch hơn 20 năm nhưng kể từ đợt dịch lần thứ 3 năm ngoái đến nay, chị Nguyễn Thị Oanh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội phải nghỉ làm và xoay sở nhiều công việc khác nhau như: bán bảo hiểm, bán hàng online... để kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ. Nhưng đến đợt dịch thứ 4 thì chị phải nghỉ hẳn: “Không có công ăn việc làm, ở nhà cũng vẫn phải chi tiêu. Chi tiêu hạn hẹp lắm, ví dụ như đợt trước thu nhập bình ổn thì tiêu khoảng 200 nghìn/ngày, nhưng bây giờ rút xuống 100 nghìn, rất là vất”.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho mâu thuẫn của nhiều cặp vợ chồng tăng lên, như trường hợp gia đình chị Trần Thị Loan ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một ví dụ. Thu nhập không có, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, đôi khi anh chị cũng không tránh khỏi những lời ra, tiếng vào. Chị chia sẻ: “Khi có chuyện hai vợ chồng thường tranh luận không ai nhường ai. Mất mấy ngày hai vợ chồng nhìn nhau, không nói với nhau câu nào”.

Theo các chuyên gia tâm lý, đời sống kinh tế của mỗi gia đình không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà có lúc thăng, lúc trầm - đó là điều tất yếu. Vấn đề là nếu không may rơi vào khủng hoảng thì mỗi người cần phải biết tìm ra những biện pháp phù hợp để vượt qua.

“Kinh tế thì rất cần nhưng nó là yếu tố cần, không phải là yếu tố đủ bởi vì xây dựng hạnh phúc gia đình nếu chỉ dựa trên kinh tế không mà không dựa trên tình cảm, không dựa trên tình yêu thì rất khó. Cho nên kinh tế nó như là yếu tố nền móng mà trên đó phải được dung dưỡng bằng tình yêu thương của tất cả các thành viên trong gia đình thì mới có thể mong có được một cuộc sống hạnh phúc” - Tiến sỹ Tố Quyên –Phó Trưởng khoa Xã hội học – Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định.

Nhìn ở một góc nhìn khác, những nguy hiểm bên ngoài bởi dịch Covid-19 lại chính là cơ hội để các thành viên trong gia đình gắn kết, bao bọc, yêu thương nhau nhiều hơn. Để mọi người tìm về giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm, những việc mà ngày thường bận rộn họ ít khi có đủ thời gian làm được. Cùng với đó, những giá trị văn hóa truyền thống gia đình vốn ít nhiều bị khuất lấp bởi nhịp sống hối hả trước đây cũng được khơi dậy.

“Khi mà đời sống vật chất khó khăn thì yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng. Hãy chung sức với nhau, hiểu hoàn cảnh của mình và cùng nhau nghĩ ra những yếu tố nào, cách thức nào để mà duy trì được đời sống tinh thần của hôn nhân thì đấy mới là điều quan trọng mà mọi người nên hướng tới” - Chuyên gia tâm lý Phạm Thái Liên chia sẻ.

Khủng hoảng kinh tế, nhất là trong đại dịch Covid-19 với những đợt giãn cách kéo dài sẽ khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình trở nên bấp bênh, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, là bài học thực tế giúp các gia đình lập kế hoạch tài chính một cách hợp lý, học cách tiết kiệm và vun vén cho tương lai sau này.

Trong những lúc khó khăn thì yếu tố gia đình cần phải được đề cao hơn nữa. Cần cố gắng hạn chế những mâu thuẫn có thể xảy ra, đồng thời động viên, chia sẻ, duy trì đời sống hôn nhân với tinh thần lạc quan, vui vẻ thì mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: