Nghe bài viết tại đây:

Thế nhưng, chắc chắn rất nhiều người không biết, hoặc không quá quan tâm đến thông tin này vì…việc đổ rác vẫn như thường lệ. "Chúng tôi có phân loại thì cũng đổ đống lên xe rác, có ai nói phải phân loại đâu" - bà Phùng Thị Bích ở Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Đối với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo điều 79, "phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định theo điều 75 thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác".

Một lần nữa, các chuyên gia môi trường và người dân lại đặt câu hỏi liệu việc phân loại rác tại nguồn có thực hiện được không? Bởi đây không phải quy định mới trong Luật hay trong các văn bản quy định. Hà Nội và TP.HCM đã từng thử nghiệm phân loại rác tại nguồn nhưng hết dự án rồi đâu lại vào đấy.

So với Luật bảo vệ môi trường năm 2014, luật mới có những điểm mang tính đột phá, như lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Việc phân loại, thu gom từ cộng đồng dân cư là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giảm rác thải nhựa ra môi trường. Thế nhưng, bao năm qua chúng ta vẫn thất bại. Rác nhựa vẫn đổ xuống bãi chôn lấp, vẫn ra sông ngòi, biển cả và Việt Nam vẫn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về để tái chế. Mâu thuẫn này được ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam phân tích:

"Tái chế hiện nay của nước ta tách làm hai mảng riêng biệt: Một là doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu tái chế, hai là thu gom trong nước, tái chế tại làng nghề, gây ô nhiễm. Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu vì phế liệu trong nước không phân loại tại nguồn vì bẩn và bao bì cũng không được thiết kế để cho tái chế".

Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Môi trường năm 2020 có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tức người gây ô nhiễm phải trả phí, trong đó các doanh nghiệp bao bì sẽ phải lựa chọn một trong hai hình thức là tái chế bao bì của mình hoặc đóng góp tài chính vào Qũy bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng - Chuyên gia Chính sách và Lập pháp cho rằng đây là công cụ để quản lý chất thải rắn ngay từ khâu sản xuất. Còn ông Fausto Tazzi -Tổng GĐ Công ty Lavi Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho rằng Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là tốt nhưng không phải là đũa thần.

"Nhiều quốc gia trên thế giới triển khai EPR và mất nhiều năm để tăng tỉ trọng tái chế. Chúng ta không cần phải vội đưa quá cao rồi không đạt được" - ông Fausto nói.

Như vậy, nếu không phân loại, không cải thiện hạ tầng thu gom thì việc tái chế, xử lý sẽ đi vào ngõ cụt như 15 năm trước trong Luật Môi trường năm 2005.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Khí quyển thuộc ĐH Nam Kinh (Trung Quốc) và Viện Hải dương học UC San Diego's Scripps (Mỹ) đã thực hiện dự đoán về mức độ và số phận của rác thải trong các đại dương trong thời đại dịch COVID-19. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa liên quan đến đại dịch COVID-19 trong tổng số 25.900 tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên toàn cầu.