“Cà phê đường tàu” đã từng hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Thống kê cho thấy có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua phường Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam, phường Hàng Mã và phường Đồng Xuân thuộc 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. 100 % các hộ đang kinh này đang vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, mặc dù cà phê đường tàu có thể làm tăng thu ngân sách nhờ du lịch nhưng không vì nguồn lợi đó mà đánh đổi sự an toàn của người dân. Quận Hoàn kiếm đã xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

“100 % các hộ dân hiện đang kinh doanh ở khu vực đường tàu sẽ bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tổ chức rào chắn, tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để cho người dân, đặc biệt là du khách không đến đây check-in”, ông Nguyễn Anh Quân khẳng định.

Các hộ dân kinh doanh “cà phê đường tầu” đều sinh sống từ trước năm 1990, trước khi Luật đường bộ, rồi Luật an toàn đường sắt có hiệu lực. Việc giải toả toàn bộ các hộ dân cần phải có thời gian, bên cạnh việc huy động kinh phí thì vẫn cần đến chủ trương của TP Hà Nội mới có thể thực hiện được.

Không phải bây giờ mới “nổi lên” việc giải tỏa cà phê đường tàu, mà thời điểm diễn ra dịch COVID-19 vào năm 2020, Hà Nội cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh về hoạt động của mô hình này; lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền, vận động và xử lý nhiều hộ kinh doanh vi phạm. Sau đợt cao điểm chống dịch qua đi, các hộ kinh doanh này lại tái diễn.

Thực tế “phố cà phê đường tàu” gọi cho sang, chứ thực ra trước đây là những căn hộ tập thể nằm sát đường sắt. Năm tháng dần qua, các căn hộ này xuống cấp, thậm chí là nơi đối tượng nghiện đến hút chích. Khi một số khách nước ngoài phát hiện ra địa điểm này đã chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội, từ đó khách quốc tế biết đến ngày càng nhiều và lựa chọn nơi đây khi tới thăm Hà Nội. Nhanh chóng bắt kịp xu hướng, một số hộ dân đã cải tạo, sửa chữa mặt tiền biến thành quán cà phê. Từ đó, tên gọi “phố cà phê đường tàu” ra đời. Và thực tế, việc bán hàng sát đường tàu luôn thường trực sự nguy hiểm. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quán cà phê thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình chia sẻ, bản thân chị đã từng ngăn không cho khách ra sát đường tàu chụp ảnh vì sợ nguy hiểm, nhưng nhiều khách vẫn cố chấp.

Những người lái tàu đi từ Hà Nội đến các địa phương phía bắc như Lào Cai, Hải Phòng cũng thót tim mỗi khi lái tầu qua khu vực “phố cà phê đường tầu”. Theo anh Vũ Văn Cường, một lái tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai, cứ mỗi khi chạy qua đoạn Phùng Hưng là khách lại reo hò, nhao ra chụp ảnh, thậm chí thò sát tay ra ngoài để vẫy, mà đoạn qua phố này nhà cửa nằm ngay sát đường ray nên gây nhiều khó khăn cho những người lái tàu.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, tuyến phố đặc biệt này buộc phải ngừng hoạt động do vi phạm hành lang đường sắt và chịu ảnh hưởng từ đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Để rồi đến tháng 4/2022, hoạt động của tuyến phố này đã nhộn nhịp trở lại. Trong nhiều tháng gần đây, hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó cũng có nhiều bạn trẻ ở Thủ đô luôn thường xuyên ghé thăm nơi đây. Đáng chú ý, nhiều người còn nằm hẳn trên thanh ray đường sắt để tạo dáng chụp ảnh. Theo chuyên gia đường sắt Khuất Minh Trí, nên dẹp bỏ “phố cà phê đường tàu”, việc thu hút khách du lịch là cần, nhưng an toàn và tính mạng của người dân cần phải đặt lên trên hết.

“Chúng ta cần nhớ một tiền đề quan trọng của ngành đường sắt, đó là an toàn phải đặt lên hàng đầu. Với hành lang đường sắt tối thiểu 3m theo Luật định thì việc bố trí các quán cà phê, khách ngồi tràn ra cả đường ray là không thể chấp nhận được. Lợi ích kinh tế cũng cần, nhưng tính mạng và sự an toàn của người dân cần phải đặt lên hàng đầu”, ông Trí bày tỏ quan điểm.

Phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm đã thành lập tổ công tác rà soát toàn bộ quán cà phê đường tàu trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết tạm dừng kinh doanh trong thời gian chờ biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.

UBND quận Ba Đình cũng cam kết thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, quyết liệt dẹp bỏ các quán cà phê dọc tuyến đường sắt. Đến nay, địa bàn phường Điện Biên không còn hàng quán cà phê kinh doanh tại khu vực này. Ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban an ninh an toàn đường sắt, Tổng công ty đường sắt Việt Nam khuyến cáo, việc mở cà phê đường tàu là sai phạm an toàn hành lang đường sắt, nếu chẳng may có sự cố xảy ra, người bán hàng cũng sẽ bị truy tố hình sự vì trách nhiệm liên đới.