Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối với các định chế tài chính và đối tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước. Song song với đó là hoàn thiện các cơ chế chính sách. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có các quy định liên quan đến phân loại dự án xanh dựa trên tiêu chí môi trường đầu tư và cấp giấy phép; các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu… cũng được quy định rõ. Đồng thời, trong đó cũng điều chỉnh các hoạt động của các ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Điều đó cho thấy, thị trường tài chính xanh sẽ tạo sức bật đáng kể cho việc triển khai các giải pháp giảm phát thải tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Jessica Nga Trần, Giám đốc điều hành toàn quốc Quỹ Đầu tư Clime Capital cho rằng, trái phiếu xanh là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp có được nguồn tài chính khí hậu. Việt Nam đang nỗ lực để phát triển lĩnh vực tài chính xanh nhưng tính đến nay mới chỉ có 13% trong số 80% tổ chức tín dụng tham gia vào lĩnh vực tài chính xanh xây dựng được quy trình bảo lãnh cho khoản vay xanh.

Còn theo bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình năng lượng và Khí hậu (WWF), các tổ chức phi chính phủ sẽ đồng hành cùng chính phủ, cộng đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Công trình cân bằng năng lượng là một trong những cách giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Việt Nam hiện mới chỉ bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên cho công trình cân bằng năng lượng. Theo ông Trần Thành Vũ, Chủ tịch Hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình xây dựng Việt Nam, chúng ta cần ứng dụng khoa học công nghệ, kết hợp với kinh nghiệm của các bên chuyên ngành để phát triển và xây dựng hiệu quả các công trình cân bằng năng lượng. Để làm được điều này, chúng ta cần thiết kế công trình sao cho có đủ mức tiết kiệm năng lượng đạt mục tiêu của quốc gia.

Mặc dù, đã có quy định về thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường nhưng hiện nay mới dừng ở việc khuyến khích, chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thực tế. Việt Nam có thể thí điểm một vài công trình cân bằng năng lượng - công trình sản xuất ra năng lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của chính tòa nhà./.