Hôm nay (7/12/2021), tại Hà Nội, hơn 100 chuyên gia về lĩnh vực Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) từ 12 quốc gia trên thế giới và lãnh đạo, đại diện một số cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam... đã hội tụ để tham gia hội thảo quốc tế “Thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS Agenda): Vai trò của các Chương trình Hành động Quốc gia (NAP)” và để thảo luận về những khả năng đầy hứa hẹn trong việc tăng cường thực hiện WPS Agenda ở cấp quốc gia trên khắp thế giới.

Đây là hoạt động kỷ niệm một năm Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) – “Tăng cường vai trò của Phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ Cam kết tới Kết quả” được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2020. Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).

Trong suốt hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung thảo luận các chủ đề như: thúc đẩy việc triển khai Chương trình nghị sự của WPS; vai trò của NAP; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của NAP đối với với việc thực hiện chương trình nghị sự WPS, trình bày các mô hình NAP và các phương pháp triển khai NAP hiệu quả trên toàn cầu, cũng như những thách thức chung đối với việc phát triển và thực hiện NAP. Tất cả các chủ đề này hướng tới mục tiêu chung là mở đường cho việc thiết kế NAP hay xây dựng một cơ chế thực hiện hiệu quả hơn chương trình nghị sự WPS cho Việt Nam.

Nhằm tăng cường thực hiện chương trình nghị sự về WPS, các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã xây dựng và thông qua các Chương trình hành động quốc gia (NAP). NAPs minh họa cách các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc ưu tiên thực hiện các trụ cột của WPS tùy theo bối cảnh quốc gia của họ và cung cấp thông tin về quá trình quản trị, đầu tư và giám sát các hoạt động liên quan. Đó chính là các Chương trình hành động quốc gia đưa ra các phương pháp và hoạt động để hiện thực hóa chương trình nghị sự WPS ở cấp quốc gia.

Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh một lần nữa được củng cố bằng Cam kết hành động Hà Nội với sự tán thành và thông qua của 75 quốc gia trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập UNSCR được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.

Bất bình đẳng giới luôn là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn và xung đột xã hội. Hòa bình và an ninh cho tất cả mọi người chỉ có thể đạt được và được duy trì nếu hòa bình và an ninh cho phụ nữ và trẻ em gái được đảm bảo. Năm 2021, đại dịch COVID-19 chính là phép thử các Chính phủ, Phụ nữ và lực lượng gìn giữ hòa bình. Đại dịch đã làm gia tăng rủi ro và tính phức tạp lên các cuộc xung đột, cũng như làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và đe dọa làm suy yếu các quyền con người.

Tại Hội thảo, các chiến lược được đưa ra là những biện pháp hữu hiệu để Việt Nam chủ động ứng phó với các thách thức về hòa bình và an ninh, sử dụng cách tiếp cận của chương trình nghị sự WPS về phòng ngừa, bảo vệ, tham gia, cứu trợ và phục hồi, có ý nghĩa lớn với việc giữ gìn hòa bình và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, những chiến lược này hỗ trợ các quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và cho phép các quốc gia đạt được các cam kết quốc tế về bình đẳng giới. Qua đó thúc đẩy sự tiếp cận công bằng của phụ nữ với các cơ hội về xã hội, kinh tế, kinh doanh và nghề nghiệp, tiếp cận với các nguồn lực và dịch vụ, và động lực trong quá trình đưa ra quyết định.

Buổi hội thảo hôm nay là một không gian mở chia sẻ rất nhiều về NAP từ nhiều quốc gia để các ban ngành và tổ chức có liên quan có thể đặt ra các câu hỏi về hiệu quả và thách thức của từng chương trình khác nhau. Hay cách các chương trình này sẽ tương xứng với chiến lược phát triển quốc gia thế nào, cách chúng sẽ hỗ trợ chương trình nghị sự về trao quyền cho phụ nữ trên tất cả lĩnh vực, thúc đẩy sự điều phối bao trùm và có sự tham gia liên ban ngành...Đây cũng là một cách để chính phủ hiện thực hóa các cam kết quốc tế, hỗ trợ ứng phó trong các khủng hoảng, ví dụ như đại dịch COVID-19, và để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các tác hại có thể phòng ngừa.

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc phòng ngừa, hòa giải mâu thuẫn và xây dựng hòa bình, chương trình nghị sự WPS, lần đầu tiên được công nhận bởi bởi Nghị quyết 1325 (2000) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với Nghị quyết 9 đã cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để xây dựng hòa bình và an ninh thông qua bốn trụ cột: Phòng ngừa, Tham gia, Bảo vệ, Cứu trợ và Phục hồi - liên quan đến các quyền con người và phẩm giá của phụ nữ, trẻ em gái, đồng thời giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột để tạo ra hòa bình bền vững./.