“Khu vực ven biển Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và kinh tế, tuy nhiên các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ”. Đó là nhận định của báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển”, một phân tích sâu và đa ngành về các thảm họa thiên nhiên ở khu vực ven biển Việt Nam đồng thời đánh giá các hoạt động quản lý rủi ro hiện nay. Báo cáo này do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thiên tai phối hợp cùng thực hiện, vừa được công bố mới đây.

Báo cáo ước tính có khoảng gần 12 triệu người dân ở khu vực ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và hơn 35% khu dân cư đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Trung bình mỗi năm, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp sẽ bị thiệt hại hơn 850 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 0,5% GDP cả nước) và 316.000 lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của lũ sông và lũ ven biển.

Cũng theo báo cáo, ngập lụt nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% các trường học trong khu vực. Hơn 1/3 lưới điện của Việt Nam được đặt tại các khu vực trong rừng, do đó đứng trước nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do mưa bão. Bão lũ đang hoành hành ở miền Trung Việt Nam là bằng chứng mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại về rủi ro thiên nhiên, vốn đã rất nguy hiểm và đang ngày càng trở nên nặng nề do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Để cung cấp thêm thông tin tới về những kết quả của báo cáo cũng như giải pháp đề xuất, phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Dũng, Chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.