Một buổi học làm sổ của các em nhỏ ở đây thường bắt đầu từ 9 đến 10h sáng. Chầm chậm, nhè nhẹ, tỉ mỉ từng chút một, mỗi em đều cố gắng tập trung để sao cho sản phẩm của mình thật đẹp. Nếu không nói thì chẳng ai nhận ra đây là những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển. Cô bé Gia Hân 13 tuổi đang ngấp nghé trăng tròn hồn nhiên và rất đáng yêu. Con đã ở lớp học này khoảng 3 tháng rồi. Không thể kể hết những nỗ lực mà cô trò đã trải qua, chỉ biết rằng Gia Hân đã thay đổi so với thời điểm em mới tới lớp như chia sẻ của cô Quỳnh Anh: “Bạn Gia Hân khá tỷ mỷ trong các hoạt động yêu cầu sự chú ý cao, tuy nhiên khả năng sức bền, chịu đựng của các nhóm cơ của các bạn ấy lại hơi yếu ví dụ như ngồi một lúc bạn ấy sẽ cần đứng lên đi lại để thư giãn, khả năng duy trì tập trung chưa được lâu dài”.

Gia Hân là con giữa trong gia đình có 3 người con. Em mắc hội chứng tự kỷ từ nhỏ nhưng được can thiệp khá sớm, vì thế nhận thức và hành vi của Hân tạm ổn so với những bạn khác. Gia Hân có thể hòa đồng trong lớp học mà không la hét,tăng động, đặc biệt cô bé này mê phim truyện Việt Nam. Trò chuyện với phóng viên, cô bé rất hồn nhiên. “Con ở đây được học khâu sổ, học vẽ, làm toán cô Quỳnh Anh với cả thêu hoa, dập khuy. Con thích làm sổ của cô Thúy. Con làm được 10 quyển. Con đã tặng hết số sổ rồi”- Gia Hân kể.

Để có thể hoàn thành một cuốn sổ tay xinh xắn kích thước A4 có bìa vải với những màu bắt mắt, đáng yêu, các em nhỏ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với trẻ bình thường. Cô và trò ở đây thường gọi những ngày đầu đến lớp của các em là những ngày tồi tệ, bởi hành trình các cô đồng hành cùng các em nhỏ khá vất vả. Cảm giác của thầy cô dường như bất lực trước những tiếng la hét, những hành vi bất thường như: ném bút, ném màu, giãy nảy "con không học đâu", nhưng rồi bằng sự kiên trì, tình yêu thương và sự an ủi, vỗ về, các thầy cô đã giúp các em tiến bộ hơn mỗi ngày.

Phạm Khánh Ngọc mắc chứng tăng động giảm chú ý, chậm phát triển so với lứa tuổi. Vì thế dù đã 10 tuổi nhưng trình độ văn hóa của em chỉ dừng ở lớp 2. Thế nhưng nhờ sự yêu thương đùm bọc của các cô, Ngọc đã khôn lớn từng ngày. “Sau khi được học, trong một buổi, Ngọc sẽ xong được 2 bông hoa, khá là khéo. Tất nhiên kỹ năng cũng chưa thành thục lắm, nhưng nếu mà tập trung một buổi cũng có thể khâu xong được từ 1-2 quyển sổ”- Cô Nguyễn Thanh Thúy, giáo viên của lớp học chia sẻ.

Ngoài những cuốn sổ tay handmade, các bạn nhỏ còn biết làm nơ buộc tóc bằng hoa, khâu và trang trí túi vải, làm lọ cắm hoa... Không ai nghĩ những bông hoa đẹp đẽ này được làm bởi những đôi bàn tay lóng ngóng vụng về của những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Ở đây các con học cách xỏ kim, cách cầm vải sao cho không bị xô lệch, nhận biết về màu sắc và vô số những kĩ năng khác. Mỗi ngày là một bài học mới, một kỹ năng mới, một giá trị mới cho các con. Nhiều năm dạy dỗ và chăm sóc trẻ tự kỷ, chậm phát triển, cô Nguyễn Thanh Thúy cảm nhận, khi có tình yêu thương dành cho những đứa trẻ “đặc biệt” rồi thì thầy cô đều cảm thấy gắn bó với công việc này. “Khi kết thúc mỗi giờ học, thấy các bạn ấy hoàn thành được cái nơ hoa mình cảm thấy rất vui, rất là nhẹ nhõm và thoải mái. Đấy là lựa chọn của bản thân mình” - Cô Thuý bày tỏ.

Sổ tay, túi, dây buộc tóc... có thể mua ở nhiều nơi, nhưng nếu nhìn những nốt chai ở tay do kéo chỉ thắt nút, nhìn những khuôn mặt ngây ngô chăm chỉ làm việc của những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển thì mới thấy chẳng gì có thể đo đếm được. Bởi trong mỗi sản phẩm là công sức gắng gỏi của cả thầy và trò với mong muốn mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng của những đứa trẻ “đặc biệt”.

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình tại đây: