Chị Đỗ Thị Thủy là một người yêu hát tuồng và quyết tâm giữ lại loại hình nghệ thuật truyền thống này. Chị tham gia đội hát tuồng lúc 16 tuổi và nhanh chóng trở thành diễn viên chính của đội tuồng huyện Đông Anh. Chị đã diễn thành công các vai như em Độ trong vở “Tình Mẹ”, Bà Huyện vở “Nghêu Sò Ốc Hến”, vai Ngọc Nữ vở “Lưu Toàn Định Lưu Toàn Nghĩa”. Với khả năng diễn xuất tốt, chị nhận nhiều giải thưởng vàng, bạc trong các Liên hoan sân khấu tuồng chuyên và không chuyên của Hà Nội.

Nhưng cuộc đời trớ trêu khi đang ở độ tuổi chín của người phụ nữ thành đạt, chị phát hiện mắc bệnh ung thư đa u tủy xương. Tin dữ đến bất ngờ khiến chị ngã quỵ, cảm giác như rơi xuống vực thẳm, ngồi khóc suốt nhiều tiếng đồng hồ sau khi biết tin dữ đó. Khi ấy khối u đã chèn vào ống tủy làm cho hai chân chị rất yếu, đi lại khó khăn, cả người cứ muốn đổ gục xuống. Dù rất sợ nhưng chị phải vào bệnh viện Trung ương 108 phẫu thuật, lấy hai thanh sắt dài nối từ đốt sống số 6 đến số 10 và bắt 8 con vít nở vào đốt sống số 6,7,9,10. Còn đốt sống số 8 thì cắt xương hông vá vào giữa xương sườn và đốt sống số 8. Sau ca phẫu thuật, bác sĩ chuyển hồ sơ của chị sang bệnh viện K1 Quán Sứ điều trị bệnh đa u tủy xương. Thời điểm này, chị Thủy vắng bóng trên sân khấu tuồng của thôn và các cuộc Liên hoan văn nghệ không chuyên Hà Nội.

Bệnh ổn định được một thời gian, 3 năm sau, chị Thủy tiếp tục nhận chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 3 với khối u có kích thước 2,7 cm. Chị phải nhập viện để phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bên ngực phải, kết hợp vét hạch dưới cánh tay. Sau phẫu thuật, chị Thủy phải truyền hoá chất 6 lần và 25 mũi xạ trước khi được ra viện vào tháng 6/2011.

Quãng thời gian kiên cường chống chọi với bệnh ung thư, chị Thủy nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của những người bạn. "Nhiều lúc không tin là Thủy có thể vượt qua bệnh tật, phải nói là chị là người bản lĩnh và cứng rắn”, chị Đỗ Thị Chiều- người bạn thân từ thủa nhỏ chia sẻ.

Mỗi lần xạ trị, truyền hóa chất là một lần cơ thể chị kiệt quệ, không thể ăn uống, nôn không ngừng. Nhưng nỗi đau thể xác không đáng sợ bằng nỗi đau tinh thần với những người bệnh ung thư, đó là việc chứng kiến mái tóc dày mượt, óng ả dài đến đầu gối của chị chỉ trong thời gian ngắn đã rụng không còn một sợi, chỉ còn trơ trọi mái đầu trống hoác. “Trước khi truyền hóa chất, tôi đã cắt tóc đến ngang vai, tự nhủ nếu có rụng cũng đỡ buồn hơn. Thế mà lần đầu thấy từng mảng tóc lớn rụng trên tay, người tôi run rẩy, nước mắt từ đâu cứ thế tuôn trào. Đối mặt với sự khiếm khuyết của cơ thể và mái đầu trọc sau khi điều trị ung thư vú thật chẳng dễ dàng”, chị Thủy bày tỏ.

Tháng 6 năm 2018, sau những lần phải khổ sở nằm viện điều trị, khi tóc đã mọc khá dài, hai vợ chồng chị Thủy cùng nhau đi du lịch miền Nam ít ngày trước khi “chuẩn bị nhận nhiệm vụ của ông bà nội trông cháu”. Có ai ngờ sau bao năm sát cánh bên vợ chiến đấu với bệnh ung thư, đó lại là lần cuối cùng chị được bên chồng. Ít ngày sau khi vào Nam, chồng chị Thủy không may mắc bạo bệnh và đột ngột qua đời nơi đất khách. Cái chết của người chồng là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần đã đẩy chị tới “tận cùng của nỗi đau”. Khi bệnh của chồng trở nặng, chị vẫn cố hết sức một mình lo liệu cho anh, giấu không để cho các con biết. Nuốt nỗi đau vào trong, sau khi chồng qua đời tháng 6/2018, chị đã gắng hết sức để gánh vác gia đình, trở thành chỗ dựa cho các con. Chị Tô Thị Tuyết- thành viên Hội ung thư vú 3 huyện Đông Anh- Sóc Sơn- Mê Linh cho biết, chị Thủy ở trong Hội ung thư vú 3 huyện Đông Anh- Sóc Sơn- Mê Linh. Chị là người phụ nữ kiên cường, ai cũng đều biết về nghị lực của chị. "Không chỉ là bệnh nhân đâu mà chị em chúng tôi còn phải vượt qua mọi thử thách của cuộc sống. Tôi cảm phục, nể trọng chị vì là người đồng bệnh. Phụ nữ rất khổ nếu mắc bệnh ung thư vì một số chị còn bị chồng ruồng rẫy vì thế tôi mong muốn không có thêm người phụ nữ nào bị ung thư”, chị Tuyết chia sẻ.

“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, câu nói đó thật đúng với cuộc đời chị Đỗ Thị Thủy. Năm 2018 chị lại thấy đau nhức nửa mặt bên phải và bệnh ung thư tuyến nước bọt tái phát. Nhưng với bản lĩnh kiên cường của một chiến binh từng trải, chị Thủy tiếp tục chiến đấu như chịu đựng ca phẫu thuật cắt khối u tuyến nước bọt gần 2cm và xạ trị tiếp tục 25 mũi. Trải qua 4 tháng nằm viện, cuối cùng bệnh trạng cũng ổn định và tháng 3/2019 chị được bác sĩ cho ra viện. Để trở lại cuộc sống bình thường, người phụ nữ 3 lần đối mặt với bệnh ung thư đã chọn cho mình lối sống khoa học và tinh thần lạc quan. Chị sáng lập và là thành viên tích cực của trang fb “CLB Nhịp cầu kết nối âm nhạc- Hà Nội xưa” để cùng nhau ca hát, chia sẻ mọi vui buồn của cuộc sống.

Không chỉ có vậy, vốn là người hoạt bát chị Đỗ Thị Thủy tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương như tham gia Hội Phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, thành viên Mạng lưới phụ nữ kiên cường toàn quốc, thành viên Hội phụ nữ ung thư 3 huyện Đông Anh- Sóc Sơn- Mê Linh. Bởi với chị sống thêm một vài ngày, vài năm đã là điều may mắn, vì vậy cần phải sống lạc quan, không hối tiếc khi giã từ cuộc sống.

Năm 2021chị Đỗ Thị Thủy được vinh danh giải thưởng Hoa hướng dương- Biểu tượng của những người mắc ung thư hơn 10 năm của Mạng lưới Phụ nữ kiên cường Hà Nội. Với chị giải thưởng này không những là niềm vinh dự, mà còn là tình cảm yêu thương và sự động viên to lớn của những chị em đồng bệnh.

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình sau đây: