Đến 20h ngày 26/10, đường vào bãi rác Nam Sơn được mở lại sau 4 ngày người dân nơi đây căng bạt, dùng sự có mặt của mình để chặn không cho xe chở rác vào bãi.

Kết quả này, có lẽ do từ chiều 25/10, Thành ủy Hà Nội triệu tập một cuộc họp khẩn vào cuối ngày nghỉ. “Cuộc làm việc có tinh thần nói thẳng, nói thật” mà ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh “phải giải quyết được vấn đề” ở Nam Sơn. Một vấn đề tồn tại nhiều năm, không phải đến bây giờ Hà Nội mới nhận ra.

Trước đó, từ ngày 23/10 - lần thứ 2 trong năm nay và chắc chắn không đếm đủ số lần trong suốt thập kỷ qua, người dân 3 xã trong bán kính 500m cách Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn, phải “cực chẳng đã” ra đường chặn xe rác. Hà Nội ngay lập tức ngập trong rác thải.

Thêm một lần nữa, người dân nhận thấy năng lực quản lý đô thị của Hà Nội còn nhiều yếu kém, khiến cho vấn nạn rác thải của thủ đô mãi không thể giải quyết dứt điểm.

Một thành phố tự nêu cao khẩu hiệu "xanh, sạch, đẹp" mà người dân luôn phải đối mặt với môi trường ô nhiễm, luôn âu lo trước những cơn “khủng hoảng rác”, một Thủ đô mà người dân phải gửi thông điệp mong muốn đối thoại đến chính quyền bằng cách ra đường chặn xe rác, dẫu biết việc làm đó là vi phạm pháp luật, thì điều đó đã cho thấy sự bất lực của chính quyền TP Hà Nội trước những vấn đề cơ bản của đời sống đô thị, trong đó có rác thải.

Cho đến nay, 90% chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Với 7.000 tấn rác mỗi ngày, cả hai bãi rác lớn là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đang trong tình trạng quá tải. Dự kiến đến hết năm nay sẽ phải đóng cửa cả hai bãi rác vì hết sức chứa.

Giải quyết thực trạng này, từ năm 2017, UBND TP đã lên kế hoạch xây dựng đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động. Trong đó có Dự án điện rác Nam Sơn với tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỉ đồng. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày. Dự án hoành tráng, kinh phí khủng và ngày chính thức đi vào vận hành cũng đã phê duyệt, vậy mà đến thời điểm này, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc.

Tốc độ triển khai dự án như “rùa bò” và việc đền bù cho người dân nằm trong Dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II và Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường quanh bãi rác được nhiều người dân cho rằng không thoả đáng. Đây là nguyên nhân quan trọng đã kích hoạt “ngòi nổ”, khiến cho cuộc khủng hoảng rác thải càng thêm trầm trọng. Người dân Nam Sơn hết năm này qua năm khác kiên trì chặn xe rác, gây áp lực với chính quyền để đối thoại, để hy vọng tìm được quyền lợi phù hợp cho mình. Hậu quả là cả Hà Nội lại thành “con tin” mỗi khi người dân Nam Sơn yêu cầu chính quyền thành phố thực hiện lời hứa.

Trong cuộc đối thoại chiều ngày hôm qua (26/10) giữa người dân thôn 2 với chính quyền xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nhiều người dân bức xúc: “Cứ 10m2 đất trồng cây lâu năm mới đổi được 1m2 đất tái định cư. Nếu đền bù như vậy thì mua được đất cũng không đủ tiền làm nhà, chưa nói lấy gì để sản xuất, sinh sống”. Thêm một cuộc đối thoại, người dân vùng ô nhiễm nhất Thủ đô lại nhận thêm một lời hứa, để đường vào bãi rác được mở ra một cách không quá căng thẳng. Đây là cách mà bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội gọi là “giải quyết kiểu tình thế”.

Người dân gần bãi rác cho rằng cách chính quyền giải quyết là không thỏa đáng. Chính quyền thì cấp xã, huyện tuyên bố thẳng thừng họ không đủ thẩm quyền. Rất nhiều lý do được viện dẫn, lý do nào cũng chính đáng, nhất là lý do cơ chế, hoặc là những sai sót về giấy tờ, thủ tục mà không ai chịu trách nhiệm giải quyết.

Đường vào bãi rác đã được mở lại. Những chuyến xe đã nối đuôi đổ rác về đây để chôn lấp trên một diện tích chẳng còn bao nhiêu. Nhà máy xử lý rác Nam Sơn do tổng thầu Trung Quốc thực hiện thì chưa biết bao giờ mới hoạt động như thiết kế. Những dự án xử lý rác còn lại thì còn mịt mờ hơn nữa. Người dân vẫn chưa di dời, vẫn chung sống với nguồn ô nhiễm khổng lồ, nên không ai dám chắc sẽ không còn những cuộc khủng hoảng rác tiếp diễn ở Thủ đô.

Người dân Hà Nội kỳ vọng và muốn tin rằng, những nhà lãnh đạo của Hà Nội hiện nay, sẽ hoàn thành một việc đã được bàn giao qua bao thế hệ, bao nhiệm kỳ, là giải quyết vấn đề rác thải của Thủ đô một cách lâu dài, bền vững, để "xanh, sạch, đẹp" không phải chỉ là khẩu hiệu.

Những người sống ở Thủ đô cũng mong rằng, các nhà quản lý của Hà Nội sẽ chứng minh được rằng họ không bất lực, ít nhất với vấn đề rác thải.