Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Cần tăng quyền lợi hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người (Tăng 2 lần so với năm 2019). Tổng số tiền thu BHXH tự nguyện năm 2020 là 3.969 tỷ đồng.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (ĐBQH Đồng Tháp), mặc dù số người tham gia BHXH có tăng nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, chủ yếu người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn là 700 nghìn đồng/tháng.

Một trong những nguyên nhân được ông Nguyễn Hải Anh chỉ ra là những quy định chính sách hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút người tham gia, trong đó có quy định về thời gian đóng còn tương đối dài (20 năm), chế độ hưởng còn hạn chế. Đặc biệt, thiếu sự linh hoạt và đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.

“Trong thời gian tới cần sớm xem xét điều chỉnh về quy định chính sách rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có phương thức và cách tính theo giá trị đồng tiền, tạo sự hấp dẫn nhiều người tham gia BHXH tự nguyện”, ông Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) kiến nghị.

Tương tự, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng cho rằng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ được hưởng chưa thực sự hấp dẫn, mới chỉ dừng lại ở chế độ ở chế độ hưu trí, tử tuất nên kém sự cạnh tranh so với BHXH bắt buộc và thương mại khi có chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động.

Bà Chu Thị Hồng Thái cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục rà soát các quy định sớm sửa đổi luật BHXH, Luật việc làm để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Cứ 1 người tham gia hệ thống BHXH thì có 2 người rời hệ thống

Liên quan đến chính sách hưởng chế độ BHXH một lần, theo thống kê trong thời gian gần đây số người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020 là 860.741 người (tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần so với số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020. Tức là cứ 1 người tham gia hệ thống BHXH thì có 2 người rời hệ thống, đây là một thực tế đang quan ngại bởi sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ hệ thống BHXH.

Đặc biệt, theo thống kê của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (ĐBQH Hải Dương) số người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9% tổng số người hưởng chế độ BHXH một lần trong giai đoạn 2016-2020). Trong đó, tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi (chiếm 42,7%), nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi chiếm 38,2%.

“Phần lớn là người lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc tích lũy thời gian đóng BHXH đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá.

Mặc dù việc hưởng chế độ BHXH một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, đặc biệt trước đời sống thu nhập khó khăn như hiện nay dự báo số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc người lao động rời bỏ hệ thống BHXH sẽ tạo ra những rủi ro cho chính người lao động khi về già, tạo áp lực cho xã hội, gia đình.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị, sớm sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần và sửa đổi Luật BHXH. Thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân. Sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt để giảm số lượng người hưởng BHXH một lần; điều chỉnh cách tính lương hưu theo hướng tăng tính hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH.

Thảo luận về thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng băn khoăn khi tỉ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần ngày một tăng cao.

Ông Nguyễn Hải Anh cho biết, theo Hiệp hội an sinh quốc tế và tổ chức lao động ILO, các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hoăc mắc bệnh hiểm nghèo.

Một số quốc gia có cho phép hưởng BHXH một lần nhưng phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Đặc biệt, một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada, Pháp… không cho hưởng chính sách BHXH một lần.

Do vậy, ông Nguyễn Hải Anh cho rằng phải nhìn nhận hưởng chế độ BHXH một lần là vấn đề chính sách của nhà nước. Theo đó cần phải có quy định hạn chế hưởng BHXH một lần nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ thành viên trong xã hội.

“Tôi đề nghị sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng chế độ BHXH một lần, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần”, ông Nguyễn Hải Anh kiến nghị.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cũng cho biết, một trong những diều kiện để người được hưởng BHXH là đủ 20 năm đóng BHXH trở lên (Điều 73 Luật BHXH năm 2014). Ngoài ra việc tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021 dẫn đến một bộ phận người dân có tâm lý không muốn tham gia để giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần gia tăng.

“Cần xem xét có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 28 ngày 23/05/2018 của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH", ông Hoàng Ngọc Định nêu quan điểm.