Sáng 06/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Riêng về Luật Điện lực, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 theo hướng nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ; Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực.

Phân tích về sự cấp thiết cần phải sửa khoản 2, Điều 4 của Luật Điện lực, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định trong 5-10 năm tới tăng trưởng kinh tế phải đạt từ 6-6,5% trở lên. Theo lý thuyết, nếu tăng trưởng 1% GDP thì tăng trưởng điện năng phải từ 1,2-1,4%. Do vậy, nếu tăng trưởng kinh tế 6% thì điện năng phải tăng trưởng 8% trở lên.

Thực tế trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn điện. Bằng chứng hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã chiếm 51% nguồn điện, doanh nghiệp nhà nước chỉ sở hữu 48-49%.

Đặc biệt theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong 5 năm qua, khi đẩy mạnh chủ trương, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã đầu tư rất mạnh vào nguồn điện mặt trời, điện gió.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công thương nhấn mạnh: Sự bất hợp lý hiện nay là những nơi có tiềm năng phát triển điện, năng lượng tái tạo lại là những nơi có phụ tải thấp.

Ví dụ, Bình Thuận, Ninh Thuận là những địa phương đang có dự án lớn về điện năng nhưng phụ tải tại chỗ chỉ 4-6%. Như vậy khoảng 94-96% sản lượng điện sản xuất ra ở những vùng này phải truyền tải đi nơi khác.

“Chúng ta cần phải có hệ thống truyền tải tốt mới giải tỏa được công suất còn lại. Tuy nhiên, truyền tải điện khác với hàng hóa bình thường, phải có đường dây, trạm biến áp… Đây cũng là lý do Chính phủ trình Quốc hội kiến nghị sửa điểm 2, điều 4 của Luật Điện lực, mở ra cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay dư địa phát triển nhà máy thủy điện lớn gần như đã hết, việc phát triển thủy điện nhỏ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến môi trường. Trong khi đó, điện than không thể phát triển thêm, thậm chí phải thu hẹp lại thì việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo là một tất yếu.

“Cả nước là vương quốc của nắng và gió. Nhưng những nơi có tiềm năng lớn về phát điện lại là nơi phụ tải thấp. Do vậy đầu tư vào hệ thống truyền tải để chúng ta khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất nước để chúng ta có nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước” - Ông Diên cho hay.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 06/1, ông Chu Hồi, đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng, an ninh năng lượng là điều rất quan trọng không chỉ của Việt Nam mà các nước trên thế giới đều đặc biệt quan tâm. Trong đó, cần tập trung phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió).

“Nhưng muốn phát triển điện gió thì phải quan tâm đến vấn đề truyền tải. Nếu hạ tầng, cơ chế vẫn ì ạch thì rất khó để phát triển. Cơ chế, chính sách phải có độ mở để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư”, ông Chu Hồi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, xã hội hóa truyền tải điện nếu vẫn giữ nguyên định mức giá điện như hiện nay thì khó thu hút được nhà đầu tư. Do vậy, nên chăng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư vào nhà máy phát điện đầu tư luôn hạ tầng truyền tải để kết nối nguồn điện với hệ thống truyền tải điện quốc gia.

“Nếu chỉ đầu tư riêng hệ thống truyền tải tách bạch với nhà máy điện thì rất khó thu hút được đầu tư khi vẫn giữ nguyên giá điện cũng như các phí liên quan”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.

Ông Tùng cũng băn khoăn, nếu chỉ sửa khoản 2, Điều 4 về chính sách điện lực mà không sửa các quy định cụ thể khác có liên quan khác thì liệu có đủ căn cứ pháp lý để triển khai chủ trương xã hội hóa truyền tải điện hay không?