Với quan điểm, "đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững" và "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu “tập trung xử lý chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải gắn với hình thành chuỗi sản xuất tiếp nối, liên tục”. Đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90% và đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu huỷ, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%...

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế chưa đi đôi với nâng cao khả năng quản lý xã hội đang khiến vấn nạn ô nhiễm môi trường bởi rác thải tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và nhiều vùng nông thôn trên cả nước tăng nhanh với tốc độ chóng mặt, gây ra biết bao hệ lụy. Môi trường sống, đặc biệt là môi trường biển, sông, hồ cũng bị ô nhiễm nặng nề bởi các loại rác thải, tác động nặng nề đến đời sống người dân.

Mặc dù, các cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách để kiểm soát vấn đề này, nhưng kết quả còn chưa rõ ràng bởi khủng hoảng rác thải chưa được đánh giá đúng về mức độ và nguy cơ, cũng như tác động của nó tới môi trường. Việc quản lý rác thải theo kiểu manh mún, thiếu đồng bộ, xử lý kiểu “tình thế” cộng với năng lực quản trị xã hội của chính quyền nhiều địa phương, kể cả 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa theo kịp sự phát triển trong khi những phương thức ứng xử với rác một cách văn minh chưa hình thành phổ biến trong xã hội…chính là những tồn tại nhức nhối, đang và sẽ tiếp tục kìm hãm sự phát triển của đất nước; Những mục tiêu về môi trường trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khó hoàn thành đúng tiến độ.

Các cơ quản lý và các nhà hoạch định chính sách hãy mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý cũng như quan điểm trong việc đương đầu với một trong những thách thức lớn không kém gì nạn tham nhũng, đang là mối đe dọa kìm hãm sự phát triển của đất nước, hãy coi rác là "quốc nạn"!

Mời nghe âm thanh tại đây: