Tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khai mạc ngày 04/01, Chính phủ đã trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350 nghìn tỷ đồng.

Do những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ước tính nền kinh tế Việt Nam năm 2021, chỉ tăng trưởng ở mức 2,59%, thấp hơn năm 2020 và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ hơn 4,8%, còn tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng âm 3,8%.

Những con số này đã phản ánh những khó khăn do đại dịch gây ra đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Chính vì vậy, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với diện bao phủ toàn diện từ phòng chống dịch bệnh, tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, cải cách thể chế được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế vực dậy sau đại dịch.

Chương trình xác định những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Thảo luận tại tổ ngày 04/01, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, gói phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch là vô cùng cần thiết, cấp bách.

“Giống như cơ thể người bệnh, sau khi ốm dậy cần thuốc, thực phẩm để phục hồi sức khỏe sau cơn bạo bệnh. Kinh tế của Việt Nam hiện nay cũng như vậy. Dù ngân sách thu vượt chỉ tiêu nhưng thực tế kinh tế đang kiệt quệ. Người dân, doanh nghiệp đều gặp khó khăn rất lớn. Gói phục hồi, phát triển kinh tế ban hành sớm sẽ vực dậy nền kinh tế”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng đánh giá, gói phục hồi, phát triển kinh tế do Chính phủ đề xuất khá toàn diện, kích thích cả cung lẫn cầu. Sau khi doanh nghiệp được giảm đáng kể các loại thuế, phí sẽ giúp cho chi phí sản xuất giảm đi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, dự kiến sẽ chi trực tiếp từ ngân sách 176 nghìn tỷ đồng, trong đó thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 (14 nghìn tỷ đồng); An sinh xã hội, đào tạo việc làm (5 nghìn tỷ đồng)...

Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, gói phục hồi, phát triển kinh tế vừa được Chính phủ đề xuất không chỉ bao trùm mà còn rất trọng tâm. Giải quyết được các vấn đề đang đặt ra cho an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh.

“Những khó khăn đang gặp phải do dịch bệnh gây ra. Do vậy, khi giải quyết phải giải quyết tận gốc, đặt trọng tâm vào y tế, đặc biệt giải quyết vấn đề y tế cơ sở”, ông Lâm đánh giá.

Tuy nhiên, khi triển khai gói phục hồi, phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, ông Trần Văn Lâm nêu 5 yếu tố quan ngại, là những hệ quả khi triển khai các chính sách này trong thực tế.

Trước hết là mối lo về cân đối vĩ mô, nợ công, nợ Chính phủ, lạm phát. Mặc dù nguy cơ lạm phát hiện đang ở mức thấp xong ông Lâm cho rằng không được chủ quan vì thực tế một số quốc gia khi tung gói hỗ trợ khiến cho lạm phát tăng cao.

Mối quan ngại thứ hai được ông Trần Văn Lâm chỉ ra là nguy cơ nợ xấu. Đây là một thực trạng hiện hữu. Các ngân hàng thương mại vừa phải cơ cấu lại nợ, trong đó có nợ xấu. Nếu không có giải pháp cụ thể tình hình nợ xấu sẽ như cục máu đông giống như 5 năm trước đây.

Một vấn đề được ông Lâm đặc biệt quan ngại đó là tình trạng đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản. Thực tế dù chưa triển khai gói phục hồi, phát triển kinh tế nhưng thị trường bất động sản, chứng khoán đã “sốt”, giá bất động sản bị đẩy lên gấp nhiều lần. Các nhà đầu tư cần mặt bằng sản xuất thì không có hoặc phải thuê với giá rất cao.

“Vừa rồi, đại biểu Quốc hội thực hiện cuộc giám sát đã nhận thấy trong tổng các dự án đến hết năm 2020, tỉ lệ các lô đất, căn hộ đang được triển khai xây dựng, mới tung ra thị trường được 16%. Trong khi đất thực tế được đưa vào sử dụng, xây nhà để ở chỉ 3%. Như vậy, quy mô thị trường bất động sản rất lớn nhưng chưa được sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội. Nếu không giải quyết tốt, thông qua gói kích thích này lại kích thích bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản” - Ông Trần Văn Lâm phân tích.

Ngoài ra, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng lo ngại vấn đề lãng phí, thất thoát trong triển khai chương trình hỗ trợ tài khoá, tiền tệ này.

Thực tế, cùng với chi tiêu vào các dự án cũng luôn tiềm ẩn vấn đề thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Nếu không làm tốt, gánh nặng thất thoát này sẽ "đổ" vào nền kinh tế và hậu quả là chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (chỉ số ICOR) tăng cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, ông Trần Văn Lâm cho rằng, khi triển khai gói phục hồi, phát triển kinh tế vấn đề cần thực sự quan tâm đó là huy động các nguồn lực PPP (đối tác công tư). Bởi sau khi nghiên cứu toàn bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Lâm nhận thấy PPP bị bỏ rơi. Dư địa đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư các lĩnh vực công bị thu hẹp lại.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) băn khoăn, trong chính sách tài khóa, dự kiến sử dụng 103 nghìn tỷ đồng chi cho hạ tầng giao thông và 14 nghìn tỷ cho hạ tầng y tế là con số lớn.

“Trong vòng 2 năm liệu có giải ngân được 14 nghìn tỷ cho hạ tầng y tế hay không? Trong khi thủ tục đầu tư bắt đầu mới triển khai đầu năm 2022 thì liệu tính khả thi đến đâu? Đặc biệt, y tế không chỉ là cái nhà, trạm xá, bệnh viện… mà còn con người, hệ thống. Nếu không cẩn trọng sẽ lại xảy ra sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế”, ông Trịnh Xuân An đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: “Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ - trái tim của thành phố cũng chỉ có giá trung bình 1,5 tỷ đồng/m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực hạ tầng mới, còn hoang vắng mà 2,4 tỷ/m2 là không phù hợp, giá không thực. Xem họ có thực hiện đúng ký kết trúng giá hay không hay lại bỏ cọc. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tăng đột biến gấp 3-4 lần thì rõ ràng là bất thường, phải thanh tra, kiểm tra mới rõ được”.