Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người, từ cung cấp ôxy, thanh lọc nguồn nước, cho đến việc bảo vệ con người trước những mối đe dọa từ thiên nhiên… Đây là những gì đã được các nhà khoa học chứng minh. Sống và gắn bó với rừng, anh Cơ Liêng Thơ My và người dân ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cũng cảm nhận rõ, đồng thời thừa nhận lợi ích mà rừng mang lại cho con người là rất lớn. “Nhờ có rừng, khí hậu ở địa phương mát mẻ hơn, đem lại cho người dân chúng tôi nguồn nước sạch. Rừng còn có tác dụng che chở cho người dân trước thiên tai, nhất là trong việc chống sói mòn đất, sạt lở đất”, anh Cơ Liêng Thơ My chia sẻ.

Nhờ có rừng ngập mặn, người dân tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng cũng không còn phải sống trong sự lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. “Trước kia, khi chua có rừng ngập mặn thì đê biển luôn bị sóng biển và bão biển đe dọa. Giờ thì chúng tôi không còn lo lắng nữa, vì con đê đã được rừng ngập mặn che chắn”, một người dân ở xã Đại Hợp chia sẻ. Hơn thế, nhờ có rừng ngập mặn, người dân nơi đây còn có thêm nguồn lợi từ biển. Bởi lẽ, từ khi có rừng ngập mặn, nhiều sinh vật biển tìm đến trú ngụ, tạo nguồn thu cho bà con.

Nhận thấy vai trò cũng như lợi ích to lớn mà rừng mang lại, người dân ở các địa phương không ngừng nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Như tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, không chỉ tham gia bảo vệ rừng, các đoàn viên, thanh niên còn gây dựng một vườn ươm để cung cấp cây giống với giá rẻ, thông qua đó lan tỏa lối sống xanh, đồng thời khích lệ người dân trồng rừng. “Em tham gia mô hình vì muốn góp sức trồng cây ở các tuyến đường của thị trấn. Em mong từ mô hình này, các bạn trẻ yêu thích việc trồng cây, giúp cho môi trường xanh, sạch đẹp hơn. Cây xanh không chỉ làm không khí trong lành hơn, còn giúp cải thiện đời sống con người”, Lơ Mu K'Jit - giáo viên của một trường mầm non ở thị trấn Lạc Dương chia sẻ.

Tại xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, để bảo vệ rừng, chính quyền địa phương còn đưa công tác bảo vệ rừng vào hương ước của làng. Ông Lý Văn Nghĩa, Trưởng xóm Sưng cho biết tổng diện tích của xóm là 728 héc-ta, trong đó có 360 héc-ta là rừng tự nhiên, khoảng 300 héc-ta là rừng sản xuất, đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Còn lại là đồi, núi đá và đất thổ cư.

Đất rừng lớn, dân cư thưa thớt nhưng nhiều năm nay, trên địa bàn không xảy ra vụ vi phạm nào về rừng. Ngoài vai trò quản lý từ ngành kiểm lâm, kết quả ấy còn có sự đóng góp đáng kể từ chính quyền địa phương. Bởi theo ông Nghĩa, thông qua việc đưa công tác bảo vệ rừng vào hương ước làng, người dân đều nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. “So với các xóm lân cận, xóm Sưng bảo vệ rừng tốt nhất. Với quy định chặt chẽ trong hương ước, không ai dám lên rừng khai thác gỗ tùy tiện. Nếu có khai thác được thì cũng không thể bán được cho ai, vì không ai dám mua gỗ không có nguồn gốc”, ông Lý Văn Nghĩa chia sẻ.

Ông Nghĩa cho biết, từ trước đến nay, mặc dù bà con không được hưởng phí môi trường với rừng tự nhiên nhưng người dân đều có ý thức bảo vệ. Ông mong muốn, Nhà nước nghiên cứu, xem xét hỗ trợ loại phí này cho các địa phương. Điều này sẽ giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Nghe bài viết dưới đây