Tại Hội thảo khoa học “Nhà ở an toàn phòng chống thiên tai” do Tổng cục Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì, đại diện các đơn vị, tổ chức đã trao đổi, chia sẻ những vấn để liên quan đến thiết kế, xây dựng nhà ở an toàn trong phòng chống thiên tai.

Sau khi tổng kết từ thực tiễn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định có rất nhiều mẫu nhà an toàn sáng tạo, sức chịu đựng rất tốt, phù hợp với điều kiện người dân phòng tránh lũ. Tuy nhiên còn nhiều câu chuyện cần quan tâm như cần lựa chọn nhà an toàn sao cho phù hợp với vùng lũ ở Việt Nam từ yếu tố văn hóa, lịch sử, bản địa...Thứ trưởng cũng cho rằng “Không có mẫu nhà nào là hoàn hảo, làm thế nào mà không chỉ một ngôi nhà an toàn mà cả khu vực cộng đồng có nhà chống lũ an toàn. Điều này cần sự vào cuộc đa ngành, các Hiệp hội cũng như các tổ chức xã hội để lựa chọn xây dựng trước một mẫu nhà phù hợp, được thiết kế chi tiết và an toàn hơn”.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng chống thiên tai Đoàn Tuyết Nga cho biết, Tổng cục đã phối hợp thực hiện Dự án GCF - Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do Quỹ khí hậu xanh tài trợ. Theo đó mục tiêu là xây dựng 4000 ngôi nhà an toàn cho người dân. Hiện nay đã có gần 3500 ngôi nhà được xây dựng đảm bảo cho người dân có chỗ trú ẩn an toàn khi bão lũ xảy ra.

Vụ trưởng Nga cũng cho rằng, việc xây dựng nhà an toàn với những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn càng cần phải được ưu tiên. Bởi sau khi đi khảo sát hiện trường những điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, có một số ngôi nhà không đảm bảo cho người dân tránh lũ. Đơn cử như ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, những ngôi nhà an toàn chỉ rộng 20m2 nhưng cao trên 3 mét nên dễ bị lật. Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, một số ngôi nhà lật do người dân chưa được huấn luyện về cách sử dụng ngôi nhà an toàn. Vụ trưởng lấy ví dụ về một nhà dân chỉ để 3 xe máy không cân nhưng 1 xe máy bị đổ gây mất thăng bằng khiến đổ toàn bộ cả nhà.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây nhà ở an toàn phòng chống thiên tai phải tích hợp các yếu tố, đặc điểm, tham số của quy hoạch ngành vào quy hoạch không gian, lồng ghép quy hoạch xây dựng nhà ở an toàn gắn với giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Theo Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, các nhà chống lũ hiện nay không dùng được 4 mùa, chỉ phù hợp vào mùa lũ và người dân không thể sống được trong nhà khi điều kiện bình thường. Những mẫu nhà này giữa lý thuyết và thực tế có sự khác biệt lớn. Bởi trên thực tế, chủ yếu là xây dựng đơn lẻ, chứ chưa tính tới công nghiệp hóa. Người vận hành triển khai thiết kế mẫu nhà là các Hội nghề nghiệp, trong đó Hội kiến trúc sư là tập hợp các kiến trúc sư thực hiện các công trình nên nắm rất rõ điều này. Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cũng khẳng định cần nghiên cứu một mẫu nhà phù hợp với các địa phương điển hình và cần triển khai đồng bộ, thiết kế làm sao phù hợp cho người dân cả về hình thức kiến trúc và công năng sử dụng.

Một yếu tố quan trọng theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là cần thực hiện xây dựng nhà an toàn theo cụm, kèm theo hạ tầng để mưa lũ xảy ra thì liên kết làng xóm sẽ phát huy hiệu quả. Đó là những vùng dân cư có sẵn hoặc định cư ở khu vực bên cạnh mà thổ nhưỡng đáp ứng được. Cuối cùng là giá thành phải công nghiệp hóa, cần sự chung tay của Nhà nước và nhân dân cũng như kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp. Hội kiến trúc sư sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai nhà chống lũ an toàn phục vụ nhân dân.