Từ khi biết con bị tự kỷ cũng là lúc gia đình chị Đỗ Hải Ninh ở Thanh Xuân - Hà Nội xác định bước vào cuộc chiến mới kéo dài đầy gian nan, thử thách. “Hồi đầu cho cháu đi học ở trường công toàn bị từ chối, không 1 nơi nào nhận. Tôi đành đưa con về nhà tự tìm hiểu kiến thức để trở thành người thầy đặc biệt của con” - chị Hải Ninh chia sẻ.

Rất nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ đã từng rơi vào hoàn cảnh như của chị Hải Ninh khi không tìm được trường lớp phù hợp với con. Để giúp những gia đình có con tự kỷ tìm được môi trường giáo dục phù hợp, bác sỹ Đỗ Thúy Lan đã thành lập Trung tâm Sao Mai - Trung tâm chăm sóc và dạy dỗ trẻ tự kỷ đầu tiên ở Hà Nội. Sự ra đời của Trung tâm đã giúp nhiều gia đình giảm bớt những áp lực trong việc dạy dỗ trẻ tự kỷ.

Hiện Trung tâm có 18 lớp tại 4 tầng học được chia theo độ tuổi, và tình trạng khuyết tật trí tuệ. Trẻ đến đây đa số là chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ, không giao tiếp, được các cô giáo, nhân viên ở đây dạy phát triển ngôn ngữ - giao tiếp, kỹ năng xã hội - sử dụng các giác quan để nhận biết mọi thứ xung quanh, vận động tinh (viết), vận động thô (đi lại, chạy nhảy). Với 11 phòng trị liệu ngôn ngữ giao tiếp, 10 phòng trị liệu Denver, 1 phòng lớn trị liệu tâm vận động, 1 phòng lớn trị liệu phục hồi chức năng, 2 phòng điều hòa giác quan, 1 phòng trị liệu mỹ thuật, 2 bể bơi thủy trị liệu, 1 hội trường lớn, phòng làm bánh, bếp ăn, vườn rau và quán cà phê thực hành kỹ năng sống, sân chơi trong nhà…trẻ được đào tạo nhiều kỹ năng để có thể hòa nhập cộng đồng. Bác sỹ Đỗ Thúy Lan cho biết.

Trẻ đến Trung tâm sẽ không phải học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo do mà sẽ được học văn hóa phù hợp với khả năng để tự phục vụ cho cuộc sống của mình như: cách sử dụng đồng tiền, các kỹ năng sống để phục vụ bản thân và gia đình trong cuộc sống hàng ngày như: nhặt rau, vo gạo, cắm cơm…

Tùy mức độ nặng nhẹ, có những trẻ chỉ cần học trong vòng từ 1 - 2 năm đã có nhiều tiến bộ sẽ được tư vấn và làm lễ ra học hòa nhập, nhưng cũng có những trường hợp học ở trung tâm đến năm 17, 18 tuổi mới đủ điều kiện ra trường trở về nhà và được dạy làm bánh, nấu ăn, pha chế, rửa xe... để có thu nhập tự nuôi sống bản thân.

Mỗi trẻ ở Trung tâm mang 1 dạng tự kỷ khác nhau: em thì thu mình vào 1 thế giới riêng, em thì la hét đập phá, em thì lúc lên cơn gào khóc, cào cấu rồi lao ra ngoài trong vô thức. Nhiều trẻ trước khi đến Trung tâm không biết nói rõ lời, gọn ý, không cầm được thìa, bút hay phải mất hàng tuần trời mà vẫn không nhớ được mặt chữ thì nay đã biết đọc, biết viết, biết giao tiếp chào hỏi lễ phép. Mỗi bước tiến bộ của các em như: (biết ăn, biết nói, biết đọc…) nghe thì quá đỗi bình thường nhưng lại là điều kỳ diệu với các gia đình có con tự kỷ. “Cháu nhà tôi đã học ở Trung tâm được gần 1 năm, cháu có sự phát triển tốt về ngôn ngữ và sự tương tác với người đối diện cũng tốt hơn rất nhiều, gia đình rất mừng và hy vọng dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của các giáo viên ở Trung tâm cháu sẽ sớm được hòa nhập” – chị Đinh Lan Anh - một phụ huynh có con học ở Trung tâm phấn khởi cho biết.

Trẻ tự kỷ cũng có thể làm mọi việc và phát triển như trẻ bình thường nếu chúng ta có tình yêu thương. Đó cũng là cách mà Trung tâm “Sao Mai” đang thực hiện để đem lại cho các em ánh sáng và tương lai./.

Mời nghe chương trình tại đây: