Công tác tư pháp có nhiều "điểm sáng”

Tham dự phiên thảo luận các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của hai cơ quan này. Bà Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Minh chứng là tổng số án tăng mạnh với 34%, trong đó nhiều vụ án đi vào lịch sử tố tụng bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ án mà số tiền bị tội phạm chiếm đoạn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; nhiều vụ án có tới hàng trăm bị cáo. Có thể kể đến là vụ tham ô tài sản ở ngân hàng Đại Dương hay vụ án về đường dây đánh bạc lên tới hàng nghìn tỷ. Cá biệt, có vụ án liên quan tới hàng nghìn người, nổi cộm là vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty đa cấp Liên Kết Việt, tòa án Hà Nội phải triệu tập hơn 6.000 người liên quan đến phiên tòa. Đáng lưu ý là có nhiều vụ với các thủ đoạn mới, nhiều loại tranh chấp dân sự, kinh tế mới chưa từng xảy ra nhưng đã được giải quyết đúng pháp luật, đúng thời hạn, nghiêm minh. Điển hình là vụ án sửa điểm thi trên máy tính, hay vụ án về tranh chấp giữa các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số.

“Những thành tựu của công tác tư pháp trong nhiệm kỳ đã khẳng định sự nỗ lực lớn của các cơ quan tư pháp trong điều kiện án tăng mạnh về số tượng, tăng về độ phức tạp mà lại phải giảm biên chế theo yêu cầu chung” - bà Nguyễn Thị Thủy nhận xét.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng ấn tượng khi nhìn lại công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. “Trong thời gian 2015 - 2020, tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc và đã giải quyết hơn 2,3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97%. Điều đáng ghi nhận là chất lượng xét xử được đảm bảo và điều đáng mừng là không để xảy ra oan sai” - ông Tám bày tỏ.

Vẫn còn những bản án không "tâm phục"

Ông Tô Văn Tám thừa nhận, chất lượng xét xử có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, theo ông tình trạng các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn tồn tại. Dù tỷ lệ vẫn trong giới hạn cho phép là 1,5% song điều này cho thấy sai sót trong hoạt động xét xử vẫn xảy ra.

Nhìn lại công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, hoạt động tư pháp có nhiều điểm sáng. Tư tưởng và quan điểm tiến bộ của chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và bổ sung sửa đổi trong các đạo luật về tòa án, kiểm soát, hình sự, tố tụng hình sự, điều tra, giam giữ, thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vẫn có điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên chưa thay đổi tư duy, thói quen và nhận thức cũ để phù hợp với những quy định mới đó. “Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa chưa được áp dụng triệt để. Trong một số vụ án lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ định bằng quyền lực của công tố và thẩm phán mà không phải bằng các chứng cứ và luận cứ khách quan, khoa học khiến cho có những bản án tuy có khẩu phục nhưng không tâm phục” - luật sư Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Nghĩa, vẫn còn nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam theo luật định, những người chưa có tội nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn khi thi hành án. “Tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ, tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử đi nữa thì cũng là khuyết điểm của các cơ quan tố tụng” - ông Nghĩa nêu quan điểm.

Để giữ được "liêm chính" thì phải "dưỡng liêm"

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đặc biệt coi trong sự công bằng trong công tác tư pháp. Ông dẫn lời của Chủ tịch Hồ Minh “Bác Hồ nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, nghĩa là khi đất nước còn nghèo khó mà được đối xử công bằng thì người dân vẫn chấp nhận chịu đựng để vượt qua. Còn khi đất nước giàu lên, không thiếu đói nữa mà bị đối xử bất công thì người dân vẫn bức xúc, lòng dân không yên”. Theo ông, khi có tranh chấp, vi phạm hay người dân bị bắt nạt, lừa đảo…họ chờ đợi Nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan tiến hành tố tụng khôi phục công bằng cho họ, ban hành một quyết định dựa trên công lý.

Muốn có công bằng thì phải có công lý vì công bằng được bảo đảm bằng công lý. Đó là nhiệm vụ chủ yếu của quyền tư pháp. Niềm tin vào quyền tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. “Những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự được gắn trọng trách giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng của mình” - Luật sư Nghĩa nêu rõ. Theo ông, để có thể trả lại sự công bằng, công lý cho những người bị oan sai thì những người giữ trọng trách này phải giữ được liêm chính như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Ngoài ra, các cán bộ, công chức trong ngành tư pháp còn có thể học hỏi từ các bài học của ông cha ta: "Để giữ được liêm chính thì phải dưỡng liêm”. Bên cạnh đó, cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của các cá nhân thì Nhà nước phải đảm bảo thu nhập cho đội ngũ này, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội.