Cuối năm 2018, sau khi giành giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn" của Tỉnh đoàn Tuyên Quang, nhóm 7 thanh niên ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình bắt tay vào xây dựng hợp tác xã để biến ý tưởng nuôi cá đặc sản kết hợp với du lịch homestay thành hiện thực. Ý tưởng có, nhiệt tình sức trẻ có, kinh nghiệm làm du lịch cũng đã tích lũy được nhưng khó khăn với hợp tác xã là vốn đầu tư ban đầu. Khó khăn ấy đã được tháo gỡ khi HTX Thanh niên Thượng Lâm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Chẩu Thanh Ngà, bí thư đoàn thanh niên xã Thượng Lâm, thành viên sáng lập hợp tác xã cho biết, hiện tại dư nợ của HTX tại ngân hàng chính sách xã hội là 400 triệu đồng.

Cuối tháng 5/2019, homestay Tài Ngào mới bắt đầu đi vào hoạt động, do ảnh hưởng của Covid-19, gần hai năm, homestay hầu như không đón khách. Từ tháng 3/2022 trở lại đây, lượng khách du lịch bắt đầu tăng trở lại, bình quân mỗi tháng, homestay Tài Ngào đòn khoảng 450 khách, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 7 lao động và 10 lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 200 - 300 nghìn/ngày. Đây là mức thu nhập ổn định và đủ sống cho các lao động ở một huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh Tuyên Quang.

Tâm sự của anh Chẩu Thanh Ngà, thành viên sáng lập HTX Thanh niên Thượng Lâm:

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, để giúp bà con thoát nghèo bền vững, hướng đi của Lâm Bình là phát triển du lịch cộng đồng để tận dụng lợi thế về cảnh quan, môi trường sinh thái lòng hồ thủy điện Na Hang và sự đa dạng về văn hóa của 12 dân tộc. Hầu hết các hộ làm du lịch ở Lâm Bình đều vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội. Ở Lâm Bình có trên 8.000 hộ thì có tới trên 7.000 hộ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hiện tại là 407 tỷ. Đây không chỉ là nguồn vốn có lãi suất thấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của bà con mà còn giúp bà con nâng cao kiến thức về sản xuất thông qua sinh hoạt tổ nhóm tiết kiệm vay vốn, tiếp cận nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Phát biểu của PCT UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Hiền về hiệu quả nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH:

Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình đã luôn đồng hành, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. 5 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số cho vay thực hiện đạt 53.865 triệu đồng, với 1.115 lượt khách hàng được vay vốn. Đến 31/5/2022, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương của UBND huyện ủy thác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 3 tỷ 266 triệu đồng đạt 100% kế hoạch được giao năm 2022. Nợ quá hạn chỉ có 109 triệu đồng, chiếm 0,03%.

Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình chia sẻ về công tác giải ngân tín dụng chính sách trên địa bàn:

Với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 55%, nếu tính cả hộ cận nghèo thì hơn 71% hộ dân ở Lâm Bình là đối tượng vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng để bà con có nguồn lực phát triển du lịch, từ đó thoát nghèo bền vững trên mảnh đất quê hương./.