Dịch bệnh và mất mát, kinh tế và đời sống của người dân bị tác động một cách thảm khốc nhất… tất cả đã biến năm 2021 thành một năm đầy đau thương mang tính lịch sử. Thế nhưng vượt lên tất cả những thử thách khắc nghiệt ấy, Việt Nam tự hào là quốc gia đã nỗ lực hết mình trong việc đảm bảo an sinh xã hội, quyền con người, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Năm 2021 là một năm đầy thách thức nhưng chúng ta đã vượt qua một cách vô cùng ngoạn mục và thể hiện quyết tâm chính trị của cả dân tộc”. Đánh giá này của ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng là cảm nhận chung của triệu triệu người dân Việt Nam trong năm qua.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố con số tăng trưởng GDP của cả năm 2021 ở mức 2,58%. Mức tăng này dẫu thấp hơn mức tăng 2,91% của năm ngoái và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tuy nhiên đây vẫn là một kết quả được xem là thành công lớn của nước ta trong bối cảnh vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh doanh.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết 128 của Chính phủ chính là đòn bẩy góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

“Việc thần tốc tiêm vaccine, đặc biệt tập trung trong quý 4 là những quyết định hết sức táo bạo và thậm chí các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế cũng không thể tin được là trong 3 tháng mà chúng ta đã gần như hoàn thành vượt toàn bộ chỉ tiêu”, bà Hương nhấn mạnh.

Từ góc độ của tổ chức quốc tế, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng một điểm nhấn không thể bỏ khi nói về những thành công của Việt Nam trong năm qua chính là việc Chính phủ kịp thời triển khai các gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid- 19…

Việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng giúp người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch đã góp phần đáng kể bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Tính đến ngày 23/11, hơn 28 triệu đối tượng đã được hỗ trợ, tổng kinh phí 28.400 tỷ đồng; 153.400 tấn gạo dự trữ quốc gia đã được xuất cấp.

-Còn theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết ngày 17-12, BHXH các tỉnh, thành đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho hơn 12,6 triệu NLĐ, trong đó hơn 11,6 triệu NLĐ đang tham gia BHTN và khoảng 995.000 NLĐ đang bảo lưu thời gian tham gia BHTN, với tổng số tiền hỗ trợ gần 29,7 tỉ đồng. Có 386.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN, thời gian kéo dài tới tháng 6-2022, tổng số tiền 8.000 tỷ đồng.

Theo ông Tú, nếu so với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ theo nghị quyết 42 được triển khai trong năm 2020 thì các gói hỗ trợ thực hiện trong năm qua, nhất là gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116, đã nhanh hơn, thực tế hơn rất nhiều. Cách thức triển khai hợp lý hơn, giảm chi phí và thời gian để xét duyệt.

Ngoài ra một điểm đặc biệt mà ông Tú muốn nhấn mạnh đó chính là sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Khi nguồn lực không còn dồi dào, Chính phủ đã phân cấp cho chính quyền địa phương để chủ động bố trí rà soát ngân sách có thêm các chính sách hỗ trợ khác cho người dân. Rất nhiều các địa phương, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và một số các tỉnh phía Nam đã nhanh chóng đánh giá thực trạng ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đưa ra những hỗ trợ kịp thời.

“Đó là một quá trình mà tôi cho rằng phối hợp khá nhịp nhàng từ Chính phủ, Trung ương đến chính quyền của địa phương. Nhờ đó tác động của các chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua là tương đối tốt”, ông Phạm Quang Tú khẳng định.

Ông Tú phân tích, dù ở bất kỳ một xã hội nào và cố gắng đến mấy đi chăng nữa thì vẫn luôn có những nhóm đối tượng bị thiệt thòi. Trong bối cảnh đấy cho dù một quốc gia phát triển đến mấy đi nữa thì vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc thông qua các chính sách ví dụ như thu thuế của những người có thu nhập cao và phân bổ nguồn lực đó để hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp hoặc những người gặp khó khăn. Đó chính là điểm mấu chốt của chương trình an sinh xã hội. Đối với Việt Nam, chưa phải là một quốc gia phát triển, chưa có nguồn lực lớn thì vấn đề về an sinh xã hội lại càng quan trọng hơn. Bởi khi có một hệ thống an sinh xã hội tốt sẽ giúp cho người dân giảm nghèo một cách bền vững, đảm bảo đời sống của người dân và góp phần quan trọng để tạo động lực tăng trưởng và phát triển công bằng xã hội, qua đó giúp củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Chính phủ và Nhà nước.

Dự báo trong năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra đối với nước ta, số lượng người nghèo và cận nghèo có nguy cơ tăng lên vì dịch bệnh, trong khi hệ thống an sinh xã hội chưa được toàn diện thì nỗ lực đầu tiên mà Việt Nam cần phải quan tâm đó là xây dựng mạng lưới hệ thống an sinh xã hội tốt hơn nữa. Chính phủ cần phải tăng cường đầu tư một nguồn lực thích đáng để đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân bằng các chính sách cả về dài hạn và ngắn hạn. Bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước cần khuyến khích thúc đẩy người dân tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội để họ tự cứu mình thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội

“Mỗi tế bào của xã hội có sức khỏe thì xã hội của chúng ta mới khỏe được. Còn khi mà các tế bào trong xã hội mà yếu thì xã hội chúng ta không thể phát triển và không thể khỏe mạnh”, ông Phạm Quang Tú chia sẻ.

Một điểm nữa, mà ông Tú đưa ra khi nói về những giải pháp trong năm 2022, đó là các gói hỗ trợ phải kịp thời, tốc độ hơn nữa và đa dạng các hình thức trợ giúp. Ngoài ra trong mỗi chính sách cần có độ mở nhất định, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho chính quyền địa phương thực hiện, tránh tâm lý sợ sai không dám làm.

Năm 2021 đã khép lại, một chặng đường mới lại bắt đầu tình hình dịch bệnh dẫu còn nhiều thử thách ở phía trước nhưng với niềm tin, sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc, đã và đang mở ra những tín hiệu lạc quan, hứa hẹn về một năm 2022 tươi sáng hơn.