Trong đại dịch, an sinh là một trong những trụ cột chính để đối mặt với thử thách

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2021 nước ta trải qua một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội được xem là một trong những trụ cột chính để phát triển kinh tế- xã hội. Vậy nhìn lại một năm qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội đã được ngành LĐTBXH thực hiện như thế nào?

-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhìn một cách tổng quát có thể nói trong muôn vàn khó khăn của đại dịch Covid- 19 nhưng chúng ta đã thực hiện các giải pháp, nỗ lực triển khai các chính sách an sinh xã hội về chăm lo cho người lao động, đối tượng yếu thế và các lực lượng khác trong xã hội tương đối tốt. Đặc biệt là triển khai đồng bộ tất cả các chính sách liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, chăm lo đời sống cũng như nâng lương cho lực lượng hưu trí nhất là người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người mà có mức lương thấp. Trong những ngày cuối năm 2021, chúng ta cũng đã hoàn thiện được đề án về khôi phục phát triển thị trường lao động, chăm lo cho lực lượng an sinh cũng như triển khai đồng bộ tất cả các chính sách liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Cho đến nay có thể nói rằng đời sống của người dân, người lao động thì cơ bản được phục hồi, được ổn định và có bước phát triển tương đối tốt.

PV: Những kết quả mà ngành Lao động Thương binh và Xã hội đạt được có thể nói là những nỗ lực vượt bậc. Thủ tướng Chính phủ cũng từng đánh giá ngành đã tham mưu và tổ chức tốt việc đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, là tư lệnh ngành, ông cảm thấy còn điều gì chưa hài lòng?

-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tôi băn khoăn và đến giờ này thấy có 2 điều phải chú ý. Một là thông qua dịch bệnh này rõ ràng phải nghĩ tới việc xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn vừa bao phủ, vừa bền vững. Mạng lưới an sinh này làm sao để thực hiện được 3 mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn các rủi ro cho người lao động, cho người dân. Thứ hai là xây dựng được môi trường, hay nói cách khác là một thị trường lao động tương đối đồng bộ và phát triển theo hướng hiện đại, có thể hội nhập trong tình hình hiện nay của thế giới. Thứ ba, cũng là vấn đề mà dư luận bức xúc là tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Thì đây là những vấn đề mà trong năm 2022 phải rất chú trọng.

Chọn 3 chữ “An” làm nhiệm vụ đột phá trong năm 2022

PV: Với những thách thức đặt ra như vậy, thì đâu là những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai trong năm 2022, thưa Bộ trưởng?

-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành tôi xác định có 3 từ an. Đầu tiên là an sinh. Thứ hai là an dân. Thứ 3 là an toàn. Ba chữ an này sẽ bao trùm đầy đủ. Nếu chúng ta thực hiện được 3 chữ an này, thì tôi tin rằng việc phục hồi kinh tế xã hội theo chương trình mà Đảng, Nhà nước đặt ra hoàn toàn có thể đạt được. Và muốn như vậy, đối với ngành phải tập trung vào 2 nhiệm vụ có tính chiến lược. Đó là triển khai nhanh nhất, có hiệu quả nhất chương trình phục hồi về mặt xã hội. Đặc biệt là phục hồi thị trường lao động và phục hồi đời sống của người dân, làm nền tảng để thực hiện 3 chữ an. Thứ 2 là phải tập trung xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ hướng tới tất cả mọi đối tượng. Và với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, trên cơ sở đó tạo đà cho sự phát triển bao trùm, bền vững và tạo việc làm thỏa đáng cho người lao động.

Tạo sự đột phá mạnh mẽ trong chuyển đổi số

PV: Đối với vấn đề phục hồi thị trường lao động trong năm 2022, theo Bộ trưởng sẽ phải thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả?

BT Đào Ngọc Dung: Tôi nói điều đầu tiên ngay những tháng đầu năm này, phải triển khai thật tốt 6 nội dung trong Chương trình phục hồi về mặt xã hội. Trong đó, quan tâm rất căn bản là sàn tối thiểu của người lao động, là vấn đề nhà ở, trực tiếp chăm lo giải ngân, hỗ trợ người lao động các khu công nghiệp, nhất là các vùng trọng điểm kinh tế. Tạo điều kiện để người lao động quay trở lại thị trường lao động trước đây. Tôi có thể nói rằng là trong chương trình phục hồi của Quốc hội và Chính phủ giao là tương đối lớn. Đó là mấy chục nghìn tỷ, cho vay để mua nhà. Thế rồi cho doanh nghiệp vay để phát triển hệ thống nhà ở và trên 6,6 nghìn tỷ để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng này. Thứ hai là phải tập trung xây dựng hệ thống dự báo cung cầu lao động để làm nền tảng phát triển thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh. Năm 2022, Bộ LĐTBXH sẽ phải tạo ra một sự đột phá rất mạnh mẽ trong chuyển đổi số, mà tập trung cơ bản là cung cầu lao động, thị trường lao động, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Và giáo dục nghề nghiệp thì phải chuyển theo hướng linh hoạt, động, mở, gắn với thị trường lao động trong nước cũng như thị trường lao động ngoài nước. Tôi tin rằng nếu như chúng ta giải quyết được những vấn đề cốt lõi như vậy năm 2022 sẽ là năm rất tốt trong những nhiệm kỳ tới.

PV: Thưa Bộ trưởng, như ông nói trong năm 2022 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm có 3 chữ “An”, vậy để thực hiện ba chữ “An” đó thì các giải pháp mang tính đột phá là gì?

-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giải pháp có tính đột phá thì năm nay phải tập trung hai chuyện. Một là phải tập trung cao nhất cho xây dựng thị trường lao động, mà muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai là phải tập trung hình thành cung - cầu lao động, đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để làm sao nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên. Hiện nay của chúng ta 70% lao động qua đào tạo nhưng mà chỉ có 24,5% có chứng chỉ, bằng cấp. Một đất nước muốn phát triển thì đào tạo chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Năm 2022 sẽ đặt nền móng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều nữa tôi vẫn muốn nhắc lại phải xây dựng được một hệ thống an sinh, hướng tới mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!