Theo Th.s-BS Nguyễn Hoàng Nguyên, quản lý chuyên môn của Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing, dịp hè là thời điểm trẻ ở nhà và điều này cũng phần nào đó làm tăng lên những nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ.

Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn trong chính ngôi nhà của bạn

Th.s - BS Nguyễn Hoàng Nguyên cho biết, khi ở nhà, trẻ có thể gặp phải những tai nạn liên quan đến ngã cao, điện giật, bỏng hay các tai nạn liên quan đến hóc dị vật khi trẻ vui chơi một mình.

Thậm chí, dù hiếm gặp hơn nhưng tai nạn đuối nước cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta cứ nghĩ đuối nước sẽ xảy ra ở những nơi mà mặt hồ ao rộng. Tuy nhiên những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị ngã vào xô chậu chứa nhiều nước hoặc bồn tắm hoặc đơn giản hơn là khu vực tiểu cảnh hòn non bộ to...

Lưu ý đảm bảo an toàn mọi lúc mọi nơi

Đối với tai nạn ngã cao, đặc biệt nguy hiểm ở các khu chung cư, nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra. Các bậc phụ huynh phải lưu ý làm chấn song cửa sổ hoặc làm lưới để có thể hạn chế tai nạn khi trẻ di chuyển đến khu vực ban công.

Với những gia đình có các cầu thang, đặc biệt lại có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nên làm gác chắn cầu thang để hạn chế việc trẻ ngã từ trên cao. Ngoài ra, các vị phụ huynh có thể sử dụng tấm thảm để lát sàn nhà, tránh cho trẻ nhỏ gặp chấn thương khi ngã.

Đối với tai nạn liên quan đến điện giật, trẻ nhỏ thường tò mò và tự ý cắm những đồ điện, đồ chơi, rất dễ dẫn bị điện giật. Trẻ cũng thường ngậm hoặc cắn đầu dây sạc điện thoại, Ipad... Do đó, khi không sử dụng, người lớn phải rút dây sạc ra; sử dụng nắp an toàn bít ổ điện để phòng tránh tai nạn.

Đối với tai nạn thương tích do dao, kéo hoặc là những mảnh thủy tinh vỡ, các bậc phụ huynh cần hạn chế đưa trẻ nhỏ đến khu vực bếp. Khi sử dụng các loại dao kéo xong, phải cất trong tủ gọn gàng và tránh tầm với của trẻ. Với những đồ dùng dành cho các bạn nhỏ như cốc, bát, chúng ta có thể sử dụng đồ nhựa thay cho đồ thủy tinh, sứ để hạn chế các trường hợp vỡ và gây tổn thương đến trẻ nhỏ.

Đối với trường hợp liên quan đến bỏng, phải lưu ý việc trẻ có thể với được những vật dụng chứa nước sôi hoặc có thể là đơn giản như trẻ có thể với tay qua nồi cơm cũng có thể dẫn đến tình trạng bỏng hơi nước.

Với tai nạn đuối nước, các bậc phụ huynh lưu ý làm trống các xô chậu sau khi sử dụng, không được để nước tồn đọng, rất nguy hiểm với trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Ngoài ra khi bố mẹ cho trẻ tắm bồn, với những trẻ dưới 6 tuổi tuyệt đối không để trẻ ở trong phòng tắm một mình. Người lớn cũng cần lưu ý hòn non bộ hay là ao hồ cá cảnh trang trí trong nhà, trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu ngã xuống.

Không nên giao cho anh (chị) lớn quán xuyến việc trông em nhỏ

Với lứa tuổi từ khoảng 6 đến 10 tuổi chúng ta hoàn toàn có thể giao phó một vài việc nào đó nhưng không phải là việc trông em bởi vì đứa trẻ có thể không xử lý được những tình huống bất chợt hoặc việc xử trí của chúng sẽ gây đến những tổn thương nặng hơn cho em nhỏ. “Dưới 10 tuổi tốt nhất đừng để hai con trông nhau”, BS Nguyễn Hoàng Nguyên nhấn mạnh.

Trẻ từ tầm khoảng 10 tuổi đến 15 tuổi, chúng ta có thể giao một vài việc, chẳng hạn như chơi với em. Tuy nhiên, không nên giao việc đút cho em ăn hay là tắm cho em bởi vì những việc này có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích.

Nghe tư vấn của Th.s - BS Nguyễn Hoàng Nguyên tại đây: