Qua các phương tiện truyền thông, từ lâu bà Nguyễn Thị Búp, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội hiểu rõ lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, mấy tháng gần đây bà mới thực hiện việc phân loại rác thải tại gia đình. “Nhà có 2 thùng rác. Một thùng đựng rác hữu cơ như thức ăn thừa, vỏ hoa quả,…thùng còn lại để các loại rác có thể tái chế được như giấy vụn, báo cũ, chai, lọ, vỏ bon bia. Mình phân loại như thế vừa đảm bảo vệ sinh cho gia đình vừa tốt cho môi trường chung”, bà Búp chia sẻ.

Bà Lê Thị Thanh Hoa, Chi hội trưởng Chi hội 5, Hội Phụ nữ phường Tân Mai cùng với các thành viên trong gia đình cũng đều có ý thức phân loại rác tại nhà. Bà cho biết thói quen này được hình thành từ khi Hội phụ nữ phường triển khai mô hình “Biến rác thành tiền”. Mỗi gia đình hội viên được phát miễn phí 2 thùng rác, đồng thời được hướng dẫn cách phân loại. “Làm theo hướng dẫn, ban đầu có đôi chút khó khăn trong việc phân loại nhưng lâu dần thành quen”, bà Hoa chia sẻ. Cứ như vậy, với cách phân loại này, bà Hoa không chỉ giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường mà còn góp phần đem lại cho Chi hội Phụ nữ một khoản thu nhỏ từ việc bán rác. “Thùng đựng rác tái chế, cứ thứ 7 hàng tuần chúng tôi đem đến điểm tập kết và cân lên bán cho những người đi thu mua phế liệu. Số tiền đó “sung” quỹ để hỗ trợ cho các hội viên còn khó khăn”, bà Hoa cho biết.

Cũng theo bà Hoa, từ những việc làm thiết thực ấy cùng sự thay đổi về cảnh quan môi trường theo chiều hướng tích cực, đông đảo người dân trên địa bàn đã từng bước thay đổi thói quen, hành vi, cách “ứng xử” với rác. “Nhiều người già, các cháu nhỏ khi ra đường nhìn thấy rác đã thu gom lại. Đặc biệt, họ không xả rác bừa bãi ra đường nữa”, bà Hoa chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Mai cho biết, đáng mừng hơn là hiện chính quyền đã tạo điều kiện để các chi hội có điểm tập kết những loại rác có thể tái chế được. Đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với những người tiên phong trong việc phân loại rác. “Chúng tôi phát động và làm điểm mô hình Biến rác thành tiền tại Chi hội Phụ nữ số 5. Kết quả thu được hơn cả mong đợi. Để góp phần làm cho thủ đô ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn, đồng thời giúp cho những hội viên khó khăn vươn lên, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này”, bà Thu khẳng định.

Cứ như vậy, hàng ngày đông đảo người dân ở phường Tân Mai đang “Biến rác thành tiền” khiến cho mô hình này giống như “một mũi tên trúng nhiều đích”.