Chiều 14/12/2023, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”. Đây là hội thảo trọng tâm sau 3 hội thảo chuyên đề tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam do Đảng đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Dân vận Trung ương phối hợp tổ chức.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng hội thảo là diễn đàn để cùng nhau thảo luận, trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thống nhất, có hiệu quả chủ trương của Đảng về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”; góp phần sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới".
5 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước. Qua đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022.
Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết: Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, những vấn đề đặt ra, cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới như: Định kiến giới, khuôn mẫu giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; lừa đảo, mất an ninh trên môi trường mạng ngày càng tinh vi, phức tạp; bạo lực gia đình; mua bán phụ nữ, trẻ em... Đặc biệt là các vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng đang đe dọa đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em.
Chính vì thế, cần tiếp tục tạo điều kiện để phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào đời sống chính trị của đất nước thông qua nhiều kênh, như: bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong công tác cán bộ, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhất là vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Thu hẹp nhanh khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, triển khai công tác phụ nữ sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền...
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn không chỉ cho phát triển đất nước, mà còn cho sự trưởng thành, tiến bộ của sự nghiệp bình đẳng giới, của từng phụ nữ, từng gia đình Việt Nam. "Chúng ta đã làm được nhiều việc có kết quả nhưng cũng còn nhiều việc đòi hỏi phải nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao để đạt được kết quả như mong muốn, điều quan trọng đó là phụ nữ Việt Nam phải có cơ hội để được bình đẳng, được tham gia vào hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, nhất là Luật Bình đăng giới, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em được quan tâm lông ghép trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Lao động, Luật bầu cử, các luật về an ninh xã hội, Luật hôn nhân và gia đình, giáo dục, y tế...".
Với hơn 200 đại biểu tham dự, hội thảo đã đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dưới nhiều góc độ để từ đó có những kiến nghị, giải pháp, quyết sách phù hợp về công tác phụ nữ trong thời gian tới.