Hơn 10 năm qua, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ về “Vấn động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, qua đó giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi như việc chưa cho phép cá nhân và các tổ chức tham gia công tác cứu trợ, thời gian thực hiện cứu trợ ngắn nên không đủ để người dân phục hồi. Không những thế, công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định 50 và Nghị định 80. Việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp dẫn đến việc chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng gây nên mất đoàn kết trong dân, lợi dụng cứu trợ để trục lợi… Đây là điều được ông Phạm Quang Tú đưa ra tại hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP” về hoạt động cứu trợ và thiện nguyện ở nước ta.

Còn ông Nguyễn Quang Huy, phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, do địa phương là nơi thường xảy ra thiên tai nên việc các đoàn cứu trợ đến nhiều. Ông Huy cho biết, ngay như năm 2020 trong trận lũ lịch sử địa phương này đón 60 đoàn làm từ thiện. Có những đoàn cứu trợ, làm từ thiện thông qua chính quyền địa phương những cũng có những đoàn về thẳng nơi gặp thiên tai để làm từ trực tiếp. Điều đáng nói là việc cứu trợ trước đây chỉ chủ yếu là mì tôm, bánh chưng, bánh tét thì nay việc làm từ thiện cũng đã dần thay đổi, có những đoàn trước khi về cứu trợ đã gọi điện về địa phương hỏi về nhu cầu của người dân nơi đây để cứu trợ cho đúng và trúng chứ không chỉ làm mua mì tôm mang đi cứu trợ như hỗ trợ máy phát điện, thuốc men, bình lọc hay cả bằng tiền mặt để bà con phát huy và xây dựng lại cuộc sống sau thiên tai.

Theo tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, cứu trợ cũng như xóa bỏ những hạn chế pháp lý không cần thiết cản trở hoạt động này. Đồng thời giảm thuế cho những cá nhân, tổ chức tham gia cứu trợ hoặc làm từ thiện cũng như có hình thức phù hợp để tôn vinh những cá nhân và tổ chức có thành tích trong hoạt động từ thiện, cứu trợ.

Làm từ thiện tưởng dễ mà không hề đơn giản. Làm sao để đúng và trúng những người cần giúp đỡ là điều mà các cá nhân và tổ chức khi đi làm thiện nguyện mong muốn. Dù đâu đó vẫn còn có những hiện tượng trục lợi từ việc làm thiện nguyện, gây mất lòng tin cho những người có tấm lòng thì vẫn còn rất nhiều những tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện bằng cả trái tim, không nề hà gian khó vào tận nơi để trao quà đúng người, đúng chỗ và đúng nhu cầu. Những tấm lòng vàng đó với cách làm bài bản, thông qua cơ sở để nắm bắt nhu cầu và mong muốn của những người cần giúp đỡ để trao đi không chỉ tình thương mà cả những món quà giá trị đúng với nhu cầu của người tiếp nhận.