Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm trong khu vực. Nguồn rác thải thực phẩm này sẽ ngấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nước. Trong quá trình phân hủy, rác thực phẩm sẽ sản sinh ra khí metan – 1 loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Lãng phí và thất thoát lương thực gây ra khoảng 10% lượng khí thải gây biến đối khí hậu. Chính vì thế thay đổi cách sử dụng thực phẩm sẽ giúp bảo vệ môi trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu.

Tại những bãi rác lộ thiên hay các xe chở rác, thức ăn thừa, hỏng, ôi thiu vứt tàn lan, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngay trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội không khó bắt gặp cảnh người dân tại cửa hàng kinh doanh ăn uống đổ thực phẩm thừa vào các thùng có nắp, còn nước thải vô tư đổ xuống cống hoặc vứt luôn ra lề đường, vừa mất mỹ quan đô thị vừa gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Theo bà Nguyễn Hoàng Thảo, nhà hoạt động môi trường, việc lãng phí thực phẩm không chỉ đơn thuần là bỏ phí thực phẩm đó mà còn lãng phí rất nhiều tài nguyên khác để làm ra thực phẩm đó. Thực phẩm bị lãng phí đó không chỉ sản sinh ra khí nhà kính – tác nhân gây biến đổi khí hậu mà còn khiến môi trường sống của chính chúng ta bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của con người.

Việc lãng phí thực phẩm có nhiều nguyên nhân. Cuộc sống hiện đại khiến con người bận rộn hơn, nhất là những gia đình có con nhỏ nên họ thường chọn cách mua thực phẩm 1-2 lần/tuần. Đây cũng là cách thức mà chị Trần Tâm Nguyên, ở Ba Đình, Hà Nội hay làm và chính việc này khiến chị thường bỏ đi nhiều loại thực phẩm bị hết hạn do tích trữ mà không để ý đến hạn sử dụng. Chị Nguyên biết đây là thói quen gây lãng phí không dễ thay đổi.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là tâm lý của người dân. Sự thiếu hiểu biết, đôi khi biết mà vẫn làm hoặc do tâm lý e ngại của người Á Đông nên mới có chuyện thực phẩm bị lãng phí, để thừa thức ăn mỗi khi dùng bữa. Theo chị Nguyễn Hồng Nhung, Thanh Xuân, Hà Nội, việc để thừa thức ăn hoặc lấy một lượng thức ăn nhiều hơn cần thiết đã tạo ra sự lãng phí rất lớn, nhiều khi chiếm đến 1/3 lượng thực phẩm ở các quán cơm.

Nếu ở khu vực ngoại thành, rác thực phẩm được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi thì ở nội thành, các hộ gia đình đều gom chung với rác sinh hoạt. Nước rỉ rác, nhất là từ rác thực phẩm đã gây ô nhiễm khu vực xung quanh chỗ để rác. Thay đổi nhận thức – thay đổi thói quen từ những việc nhỏ hàng ngày là cách mà nhiều gia đình ở nội đô đang thực hiện cũng như gia đình bà Trần Thị Phương, ở Cầu Giấy. Bà Phương thường chỉ nấu vừa đủ ăn trong gia đình, món nào còn thừa thì sẽ để đến hôm sau chế biến thành kiểu khác, vừa thay đổi món cho cả nhà vừa tránh lãng phí. Gia đình bà không tích trữ thức ăn trong tủ lạnh mà sẽ đi chợ hàng ngày và mua vừa đủ ăn.

Mỗi năm, con người lãng phí 1,3 tỷ tấn thực phẩm. Lượng thực phẩm bị lãng phí này tương đương với 500 triệu tấn khí thải nhà kính và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 1,95 đến 2 tỷ tấn vào năm 2050. Thực phẩm thải bỏ gây lãng phí nguồn lực và tạo ra các chi phí xử lý tốn kém. Để giảm tình trạng này, chúng ta cần chung tay và điều cần nhất chính là sự thay đổi từ ý thức của người dân. Nếu mỗi người dân sử dụng thực phẩm môt cách tiết kiệm và vừa đủ sẽ giúp tiết kiệm không chỉ là tiền mà còn cả các nguồn tài nguyên sản xuất ra chúng, vừa bảo vệ môi trường vừa góp phần vào sự phát triển bền vững.

Nghe chương trình tại đây: