Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, là chỗ dựa cuối cùng, rất quan trọng của người lao động, giúp họ bảo đảm các chi phí tối thiểu trong sinh hoạt. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người lao động lại rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có gần 750.000 người đề nghị rút BHXH một lần. Số liệu này tương ứng cứ 2 người tham gia mới thì có một người rời hệ thống BHXH. Do ảnh hưởng của dịch covid-19, tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Minh chứng là trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), mỗi năm, BHXH Việt Nam ghi nhận hơn 860.000 lao động rút BHXH một lần. Thậm chí, tại một số địa phương tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng tăng lên. Như tại tỉnh Long An, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết tới hơn 3.800 hồ sơ nhận BHXH 1 lần.

Chị Nguyễn Bích, ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng như rất nhiều người không phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của BHXH trong việc đảm bảo an sinh. Tuy nhiên, chị vẫn quyết định rút BHXH một lần khi nghỉ việc công ty để kinh doanh tự do. Chị Bích chia sẻ sau gần 10 năm gắn bó với công ty, đó là quyết định khó khăn nhưng khó nhất là khi phải lựa chọn tự tiếp tục tự đóng hay nhận BHXH một lần. “Tôi làm trong lĩnh vực giao vận. Khi tôi đóng BHXH thì mức đóng không dựa trên thu nhập thực tế của tôi mà tính theo mức lương tối thiểu. Dẫu vậy, số tiền đóng vào BHXH cũng tương đối lớn. Khi tôi chuyển ra ngoài làm, nếu tự đóng thì rất cao nên tôi đã rút ra”, chị Bích thổ lộ.

Một yếu tố nữa khiến chị Bích quyết định hưởng BHXH một lần là thời gian đóng. Theo chị, quy định như hiện là quá dài. Như trường hợp của chị, dù đã tham gia được 10 năm nhưng để được hưởng chế độ lương hưu ở mức tối đa theo quy định, chị sẽ phải tiếp tục tự đóng tới 10 năm nữa. Vì thế, dù biết thiệt thòi nhưng chị vẫn quyết định rút BHXH. “Tôi thấy BHXH rất quan trọng nhưng thời gian đóng tới 20 năm như hiện tại là quá dài. Tôi e là tôi không theo nổi nên đành rút ra”, chị Bích cho biết.

Anh Trần Việt Toàn, ở tỉnh Nam Định cũng thừa nhận hưởng BHXH một lần người lao động sẽ rất thiệt thòi vì mất đi cơ hội hưởng lương hưu, mất nguồn hỗ trợ về tài chính để ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn hưởng BHXH một lần bởi cần nguồn tài chính để trang trải cho cuộc sống trước mắt. Theo anh Toàn, để hạn chế tình trạng này, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho những người đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19 để họ không nghĩ tới việc nhận BHXH một lần. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh quy định thời gian tham gia BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm hoặc 10 năm. Tuy nhiên, khi giảm thời gian đóng, cơ quan chức năng cần tính toán làm sao để mức lương hưu sẽ không quá thấp.

Để giải được “bài toán” này, anh Toàn đề xuất, trước mắt cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch nguồn quỹ, đồng thời tìm phương án sử dụng số tiền này hiệu quả hơn nữa. “Theo tôi, việc sử dụng quỹ nên rõ ràng, minh bạch. Mỗi năm thu bao nhiêu, sử dụng chi cho bộ máy bao nhiêu, chi cho người lao động khi họ ốm đau bao nhiêu, đầu tư vào đâu và mục đích là gì. Mọi việc phải thật rõ ràng, công khai, minh bạch”, anh Toàn chia sẻ.

Chị Nguyễn Bích cũng cho rằng yêu cầu rút ngắn thời gian tham gia BHXH nhưng mức đóng không tăng, đồng thời mức lương hưu vẫn phải đảm bảo cuộc sống là bài toán khó. Tuy nhiên, đây là việc cần làm để níu chân người tham gia BHXH vì mục tiêu an sinh xã hội. Theo chị Bích, cơ quan BHXH nên tham khảo việc quản lý, sử dụng quỹ của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm để giải bài toán này. “Tôi đang thấy việc sử dụng khoản tiền BHXH hiện nay đang ưu tiên vấn đề an toàn, đầu tư vào trái phiếu. Nó an toàn thật đấy nhưng lại không mang lại không sinh lời tốt nhất. Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm thì họ sử dụng nguồn quỹ này như thế nào? Tôi thấy họ đưa vào các quỹ đầu tư và sinh lời rất tốt. Điều này giúp cho người tham gia bảo hiểm được hưởng mức lương tốt mà thời gian đóng không dài. Cơ quan BHXH Việt Nam thử nghiên cứu xem sao”, chị Bích chia sẻ.

Rõ ràng để khuyến khích người lao động tiếp tục tự đóng BHXH khi nghỉ việc, chuyển việc thay vì rút BHXH một lần thì việc rút ngắn thời gian đóng xuống 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay là giải pháp cần tính tới. Tuy nhiên, mức hưởng cũng cần phải được tính toán cẩn trọng để tránh tình trạng lương hưu quá thấp, không đủ sống. Có như vậy BHXH mới có sức hút đối với người lao động.

Nghe bài viết dưới đây: