Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Các doanh nghiệp hiện vẫn đang áp dụng mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, 2 năm qua, người lao động đã chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên ở thời điểm này nền kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, do vậy doanh nghiệp cần có trách nhiệm để bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thực hiện trong tháng 3 năm 2022 với 1.533 người lao động trả lời phiếu tại 06 tỉnh, thành phố cho thấy: Mức lương người lao động nhận được không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình. Có tới hơn 46% người lao động phải làm thêm giờ với số ngày phải làm thêm giờ trong 1 tháng trung bình là 12,78 ngày/tháng để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Hơn 56% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ. Không những thế, rất nhiều người lao động không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Điều này cho thấy cuộc sống của họ rất khó khăn và việc rút bảo hiểm xã hội một lần là sự lựa chọn cuối cùng để lại hệ lụy lớn cho người lao động và xã hội.

"Tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn" - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh và cho rằng việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đặt ra mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ trên 7% đến trên 8% từ ngày 1/7/2022.

Tuy nhiên trong phiên họp sáng nay với sự đồng thuận của 17/17 thành viên, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Đây cũng là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.

Theo đánh giá của ông Ngọ Duy Hiểu, thực tế người lao động mong muốn tăng ở mức cao hơn nữa nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì việc điều chỉnh tăng 6% được cho là thuyết phục với các bên. Ông Hiểu cho rằng ở mức này đã thể hiện sự chia sẻ của tổ chức đại diện người lao động với doanh nghiệp.

“Chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn và thực hiện tốt chương trình phục hồi kinh tế, xã hội của Chính phủ”, ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

Về lý do tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, ông Hiểu cho rằng, thông thường mức tăng sẽ bắt đầu điều chỉnh từ 1/1 của năm kế tiếp, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, gần hai năm người lao động chưa được tăng lương, đến nay kinh tế đang dần phục hồi, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, do vậy các bên thấy cần thiết phải tăng lương.

Trao đổi với báo chí sau phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mặc dù Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Tuy nhiên ở mức ở này sẽ gây nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, khi vừa mới trải qua một "trận ốm".

“Chúng tôi chưa thực sự hài lòng với mức điều chỉnh này, vì chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn điều chỉnh ở mức phù hợp từ ngày 1/1/2023, còn tăng từ 1/7/2022 thì vất vả quá, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số, kể cả chỉ số tăng trưởng", ông Hoàng Quang Phòng thông tin.

Theo ông Phòng, các đơn hàng của doanh nghiệp đã được chốt từ đầu năm, đến nay tăng lương từ 1/7/2022 thì doanh nghiệp sẽ phải vất vả hơn trong việc tính toán, cân đối các chi phí.