Sống trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cái click chuột, mỗi người đều có thể xác minh thông tin, tìm hiểu bất cứ thứ gì đang cần. Thế nhưng những hiện tượng tin vào tướng số, bói toán; dâng sao giải hạn linh đình, tốn kém, chữa bệnh bằng cúng bái hay những kiêng cữ phản khoa học, mê tín dị đoan…lại ngày một nhiều hơn, len lỏi vào cuộc sống của một bộ phận người dân.

Niềm tin lạc hướng và những bi kịch khởi nguồn từ sự mù quáng…

Cách đây, 13 năm chị Lê Thị Thái ở Quận Đống Đa, Hà Nội được bác sĩ chẩn đoán là viêm gan cấp. Sau hơn một tuần điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng bệnh tật đang có chiều hướng thuyên giảm thì chị đột ngột xin ra viện, bất chấp sự ngăn cản và tư vấn của bác sĩ.

Trong khi người nhà ngơ ngác, lo lắng, thì chị lại có một niềm tin mãnh liệt khác, niềm tin vào một thế giới siêu nhiên, vô hình. Nhất là sau khi được thầy bói phán: “Bệnh của chị là bệnh âm, cô hành, cậu hành phải làm lễ nhảy đồng thì mới khỏi ”. Cứ u u mê mê, bà đồng phán gì chị đều tin, chạy vạy khắp nơi, vay cả vài trăm triệu đồng, chị lập hết giá đồng này đến giá đồng khác để “đuổi bệnh”…..Vậy mà khi các giá đồng cả trăm triệu nối tiếp nhau cháy hết trong hình nhân thế mạng, trong mù mịt khói hương, chẳng những bệnh tật không hết mà người nhà phải vội vã đưa chị đi cấp cứu, may kịp thời giữ được cái mạng. Giờ đây kể lại hậu quả của việc đặt niềm tin mù quáng 13 năm trước, chị Thái vẫn chưa hoàn hồn: Lúc đấy nhiều người từ vỡ nợ xong nhảy đồng thì giàu có. Mình cứ tin. Sau này Công an ập đến đọc lệnh bắt thì mình mới biết nhà đó buôn ma túy”

Hồn nhiên đặt niềm tin một cách dễ dãi, thậm chí đến mức mù quáng vào thế lực siêu nhiên vô hình nhảm nhí, không phải chỉ có chuyện nhà chị Thái….Thật đau xót, khi một nhà ngoại cảm "rởm" có thể dùng xương động vật lừa đảo kiếm tiền trên nỗi đau của bao gia đình liệt sĩ... Sai số 100%, nhưng nghìn vạn người vẫn tin theo trong suốt nhiều năm... Hay như câu chuyện về Lương y Võ Hoàng Yên, tốt nghiệp trung cấp y sỹ y học cổ truyền Trường trung cấp Tuệ Tĩnh Thanh Hóa, nhưng nhiều năm nay, ông nổi lên như cồn và được đồn thổi như “thần y” có thể chữa được bách bệnh đặc biệt là các loại bệnh khó, bẩm sinh như: câm, điếc, bại liệt, xương khớp... bằng bấm huyệt, day ấn, vỗ tai, giật lưỡi, bẻ chân… Nhìn cách chữa bệnh không cần thuốc của "thần y" Võ Hoàng Yên, hiếm có một bác sĩ Tây y lẫn Đông y nào tin đó là sự thật, vì cách chữa này không chỉ phản khoa học mà còn có phần bạo lực. Thế nhưng vẫn có hàng nghìn người “tôn sùng” trong suốt nhiều năm liền.

Người dân không hiểu luật, không hiểu nguyên lý khoa học của các phương pháp chữa bệnh lại có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên mù quáng đặt niềm tin và cả tính mạng vào tay một người được cho là “thần y” thì cũng chẳng có gì lạ. Đằng này những người học cao, có kiến thức, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan chuyên ngành về sức khỏe, y tế lại “làm ngơ”, để cho ông Võ Hoàng Yên mặc sức “tung hoành” trong nhiều năm liền, thậm chí còn “tiếp tay” thì chả trách sao người dân lại dễ bị lừa đến vậy.

Không chỉ bàng hoàng trước sự mê muội đến khó hiểu, nhiều người còn phải thốt lên đầy đau xót vì có lẽ chưa bao giờ con người lại nhỏ bé, yếu hèn, mù quáng, mê muội trước tự nhiên, trước thần linh đến vậy. Thật buồn, thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương!

Trong khi xã hội đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, thì một bộ phận người dân lại mải mê hương khói, cầu cúng…Hình ảnh biển người chen chân tại ngôi chùa xây mới hiện đại bậc nhất trong khu vực khi mà dịch Covid 19 vẫn còn nguy cơ lây lan trong cộng đồng đủ cho thấy sự “cuồng tín” của người dân đến mức nào. Nguy hại hơn, chính niềm tin mù quáng vào những thứ phi lý, phi logic được cho là “siêu nhiên” và “khó lý giải” ấy đang làm cho con người suy nghĩ lầm lạc, tiêu cực, kìm hãm sự phát triển, đẩy cuộc sống quẩn quanh trong đói nghèo và con người thì vẫn mơ hồ, mất phương hướng.

Vì sao người Việt dễ dãi để những niềm tin không logic dẫn đường…?

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, chuyên gia xã hội học PGS.TS Phạm Bích San khẳng định, bản chất con người cần có niềm tin. Trên cơ sở niềm tin ấy, tùy vào các tình huống khác nhau sẽ được phát huy theo các cách khác nhau. “Niềm tin có thể làm nên những điều tuyệt vời, biến những thứ không thể thành có thể. Còn nếu mất niềm tin, sẽ không còn động lực làm việc, không còn động lực cống hiến, dễ mất phương hướng cả trong hiện tại và tương lai”- TS Phạm Bích San nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi niềm tin trở thành cuồng tín, mù quáng, đó lại là thứ phải lên án và cần phải tìm cho ra “cơ chế” tâm lý nào đằng sau những niềm tin mù quáng ấy?

Theo ông Đào Nhật Đình ở Minh Khai, Hà Nội, một xã hội cúi đầu trước thế giới vô thực, xì xụp xin lạy ngàn vạn điều may mắn từ thần linh và đặt niềm tin một cách sai chỗ là bởi những giá trị xã hội đang không thỏa mãn khát vọng của con người. “Nếu xã hội có sự công bằng và thành quả của mỗi người phụ thuộc trực tiếp và khả năng nỗ lực của người đó thì sự tin tưởng vào thánh thần cũng bớt đi. Yếu tố may mắn nhẽ ra chỉ chiếm 20% nhưng giờ là 70% thì người ta tin vào may mắn nhiều hơn”, ông Đào Nhật Đình khẳng định.

TS Phạm Bích San cũng cho rằng, trong xã hội khi mà thật, giả lẫn lộn thì sẽ không ai dám chắc có thể đủ bản lĩnh để cưỡng lại và đứng ngoài vòng của những niềm tin mù quáng ấy. Thậm chí cũng không quá khi nói rằng, trong xã hội hiện nay đang có quá nhiều điều kiện để tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho những niềm tin không có căn cứ khoa học có thể phát triển.

Không những thế, vẫn còn một bộ phận lớn người Việt không có đầy đủ tư duy duy lý, để phân tích, đặt câu hỏi khi xảy ra một việc nào đó thì nguyên nhân là do đâu mà chỉ có thói quen đổ lỗi cho một lý do mơ hồ bên ngoài. Bởi vậy, khi những niềm tin vào khoa học không còn hy vọng, họ chỉ còn biết bám víu vào sự may rủi, vào niềm tin thần thánh một cách mê muội…

Còn theo TS Mai Anh Tuấn, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đã có một khoảng thời gian khá dài, Nhà nước có sự can thiệp và kiểm soát tương đối tốt các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Nhưng câu chuyện bắt đầu trở nên phức tạp hơn khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, yếu tố thị trường chiếm lĩnh thì hoạt động tín ngưỡng, tâm linh ngày càng phát triển và chúng ta trở nên mất kiểm soát. Cũng như nhiều chuyên gia khác, TS Mai Anh Tuấn gọi những hành động đó là mê tín và nguyên nhân là do sự bất trắc khi thực hiện các kỳ vọng…Thay vì tin vào những điều mà khoa học đã chứng minh, nhiều người lại dễ dàng vào những thứ mơ hồ không hợp với lẽ tự nhiên. Chính sự “dễ dãi” trong niềm tin tín ngưỡng, có thể thần thánh hóa bất kỳ sự vật hiện tượng nào từ “rắn thần”, “cá thần” cho đến “đá thần”, “lươn thần”... đang là nguyên nhân khiến cho “căn bệnh” mê tín dị đoan có đất để trỗi dậy.

Khi người ta thiếu niềm tin, cảm thấy bất an trong một xã hội nhiều biến cố, thay đổi bất thường như ốm đau bệnh tật, thậm chí là cả vô số sự chướng tai gai mắt, thiếu công bằng, người ta ắt sẽ tìm đến thế giới siêu nhiên, cầu mong sự phù hộ, che chở….” - TS Mai Anh Tuấn chia sẻ.

Tìm lời giải thấu đáo để không còn những niềm tin chìm đắm trong sự mê muội…

Nhìn nhận một cách thật sự khách quan, “đất sống”, “đất diễn” của những ông căn, bà cốt, những ông thần, bà thánh hay những lang băm “thần y” một phần là do tính hiếu kỳ, a dua, mê muội của người dân bày sẵn. Nếu như vẫn còn nhu cầu, vẫn còn những người dân tin mù quáng, vẫn muốn thử một lần thì vẫn sẽ mọc ra nhiều "thần y" tự phong gây họa cho nhiều người, nhiều gia đình…Bởi vậy, TS Mai Anh Tuấn cho rằng, mỗi người dân cần tỉnh táo, tự mình nâng cao sức đề kháng, biết đặt niềm tin đúng chỗ, tin yêu vào cuộc sống đang từng ngày khởi sắc.

Có thật sự tồn tại những thế lực siêu nhiên bên cạnh con người? Cho đến nay, đó là điều khoa học chưa thể kết luận. Tuy nhiên, để tin vào một điều gì, người ta cần phải hiểu thật rõ về nó, biết được nguyên nhân, nguồn gốc, mức độ hợp lý của vấn đề… Chỉ như thế, niềm tin mới được đảm bảo.

Muốn giải quyết được thấu đáo vấn đề này thì phải đào tạo, tập huấn tư duy duy lý cho mỗi người để khi có chuyện xảy ra, họ phải đủ lý lẽ để lựa chọn đúng sai và phải biết tin vào sức mình là chính….” - TS Phạm Bích San nêu quan điểm.. Ngoài ra, cộng đồng cũng cần có sự thay đổi, trong đó quan trọng nhất là sự nêu gương của những nhà quản lý. Không ai khác, chính họ sẽ định hướng cho người dân có niềm tin đúng đắn.

Và cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có các chế tài nghiêm khắc để chỉnh đốn lại các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tạo ra một môi trường sinh hoạt tâm linh, tôn giáo lành mạnh. “Cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, những người đủ thẩm quyền và buộc phải có trách nhiệm xóa bỏ vấn nạn này cho xã hội"…Đó là điều mà TS Mai Anh Tuấn mong muốn.

Niềm tin, sự khát khao dù có mãnh liệt đến mấy, nhưng thiếu cơ sở khoa học, thì cũng chỉ là niềm tin dại khờ, mê muội, hậu quả trước sau rồi cũng đến. Đất nước chỉ có thể hùng cường, phát triển bền vững bởi những con người văn minh và không cho phép tồn tại những niềm tin mê muội vào những thứ phi lý, phi logic.

Nghe nội dung chuyên mục “Chuyện hôm nay” bàn về chủ đề này ngay dưới đây: