Mới đây, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, làm họ khó khăn, kiệt quệ. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Các hiệp hội cũng cho rằng, khó khăn do dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất.

Ngoài ra, nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Đặc biệt, kiến nghị cũng nêu quan điểm, nhiều doanh nghiệp sẽ phải bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, hoặc cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất...

Trao đổi với phóng viên VOV2 về kiến nghị của 8 hiệp hội đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Đây là quyền của các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. Nhưng đây là kiến nghị không hợp tình, hợp lý. Theo thông lệ lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo từng năm. 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 nên việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng bị hoãn lại. Còn lần này nếu thực hiện tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 thì sau 18 tháng mới phải điều chỉnh cho năm tiếp theo. Đây là sự rất chia sẻ rất lớn của người lao động và Nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid- 19. Bởi vậy theo ông Tiến không còn lý do gì để không tăng theo phương án từ 1/7/2022.

Cũng theo chia sẻ của ông Tiến: Ngay khi biết thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2022, rất nhiều người lao động bày tỏ sự phấn khởi, dù rằng mức tăng chưa được như nguyện vọng của họ. Bởi vậy nếu như chúng ta tiếp tục lùi thời hạn tăng lương sẽ khiến người lao động bị hụt hẫng.

Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng khẳng định đã đọc rất kỹ bản kiến nghị của 8 hiệp hội doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Chính cho rằng những lý do mà các hiệp hội đưa ra là không thuyết phục.

Ông chính phân tích, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do những khó khăn do covid-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất. Thế nhưng thực tế hiện nay F0 không còn là vấn đề nặng nề như trước đây nữa. Hiện nay, doanh nghiệp có người lao động là F0 thì có thể cho nghỉ ở nhà, F1 đi làm trực tiếp bình thường, thậm chí đã có đề xuất F0 không triệu chứng vẫn có thể đi làm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng nếu tăng lương vào đầu tháng 7, họ sẽ khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Song nếu như doanh nghiệp khó 1 thì người lao động khó tới 2,3 lần. Bởi vậy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa khó khăn của người lao động và của doanh nghiệp.

Đặc biệt với kinh nghiệm của một người nhiều năm ngồi ở vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Chính khẳng định: Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng luôn có đại diện của 3 bên tham gia: Đại diện người sử dụng lao động - doanh nghiệp là VCCI, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Bởi vậy trước khi quyết định Hội đồng tiền lương quốc gia đã trải qua rất nhiều phiên thương lượng, tính toán, bàn bạc, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, khoa học để đưa ra đề xuất đó.

Với một góc nhìn hoàn toàn độc lập, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương cho rằng mong muốn đẩy lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng theo kiến nghị của các hiệp hội là hoàn toán chính đáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống của người lao động đang hết sức khó khăn thì việc tăng lương cho người lao động là vấn đề cấp bách, cần thiết phải làm ngay. Ông Bùi Sĩ Lợi cũng tin tưởng, Hội đồng tiền lương quốc gia với sự tham gia của đầy đủ các bên và lại quá trình thương lượng, phân tích, đánh giá, cân nhắc thấu đáo trước khi bỏ phiếu sẽ là một quyết định chính xác nhất.

Với mức tăng 6% cho 18 tháng, theo ông Lợi điều đó đã thể hiện sự chia sẻ của người lao động với chủ sử dụng lao động. Và thực tế, việc người lao động được tăng lương cũng chính là yếu tố giúp cho doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa, ổn định quan hệ lao động trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm đang phục hồi sau đại dịch Covid- 19, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng ở thời điểm này là "Lợi bất cập hại". Bởi năm 2022 là năm cần phục hồi lại cả về kinh tế và thị trường lao động cho nên những ưu tiên về tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng.

Bà Hương cũng khẳng định khi tăng lương tối thiểu vùng thì không chỉ phần trả lương tăng lên mà tất cả các chi phí liên quan đến sử dụng lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và như vậy các chi phí của doanh nghiệp cũng tăng lên, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động và rất có khả năng sẽ làm gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp.

Chính vì vậy trước kiến nghị của 8 hiệp hội doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, đây là vấn đề chính phủ cần nên xem xét, để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sau đại dịch.

Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình Chính phủ xem xét phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% từ ngày 1/7/2022. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.