“Sinh viên chúng em còn trẻ, dùng BHYT cũng không cần thiết mà những thủ tục cũng phức tạp nên chúng em không cần đến”; “Đấy là bắt buộc thì em phải mua thôi chứ với em không thấy có tác dụng nhiều lắm.”- Đây suy nghĩ phổ biến của nhiều sinh viên về tấm thẻ BHYT.

Tuy nhiên, chỉ đến khi phải nằm viện hoặc “tận mắt chứng kiến” người thực việc thực, nhiều em sinh viên mới chợt nhận ra rằng: Nếu không có thẻ BHYT không hiểu mọi chuyện sẽ đi về đâu.

12 năm học phổ thông cộng với 3 năm học đại học cũng là từng ấy lần Thu Trang, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đóng tiền mua BHYT. Chưa dùng thẻ một lần nào, Trang cho rằng việc mua thẻ BHYT có phần hơi lãng phí cho đến khi em chứng kiến câu chuyện của một người bạn quê ở Hà Tĩnh mắc bệnh thận. Gia đình bạn rất khó khăn, bạn lại thường xuyên phải đi khám chữa bệnh. Nhờ có thẻ BHYT, mỗi khi đi khám bệnh, bạn đã được miễn 100% lệ phí, tiền thuốc. "Nếu không có tấm thẻ này, vừa học hành, vừa chữa bệnh, bạn của em sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình", Trang kể. Giờ thì Trang thấy việc tham gia BHYT là việc không thể không làm, đó thực sự là "mình vì mọi người và mọi người vì mình".

Còn với Hiền Mai, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH QG HN, tấm thẻ BHYT như chiếc “phao cứu sinh” đối với em. Từ quê Thái Bình lên Hà Nội học, để có thể lo chi phí học hành, ăn ở, bố mẹ Mai đã rất vất vả. Nếu như không có thẻ BHYT thì gánh nặng đối với gia đình em sẽ càng tăng lên bội phần. “Trong những năm tháng học đại học xa nhà, em đã trải qua 1 số lần gặp vấn đề về sức khỏe. Vào viện mới thấy không có thẻ BHYT thì tiền ăn cả tháng của em đã "đi tong". Lúc đó mới thấy, thẻ BHYT như 1 chiếc phao cứu sinh đối với em. Hiền Mai cũng chứng kiến 1 số trường hợp các bạn xung quanh em không tham gia BHYT nên đến khi có vấn đề về sức khỏe, việc chi trả cho tiền khám chữa bệnh, tiền nằm viện rất lớn và tạo ra gánh nặng chi phí đối với cả gia đình.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội &Nhân văn, nguyên Trưởng phòng Chính trị Công tác sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, là người tiếp xúc thường xuyên và sâu sát với đời sống sinh viên, ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện nhân văn mà tấm thẻ BHYT mang lại, có những trường hợp được hỗ trợ cả trăm triệu đồng.

PGS Liệu nhớ nhất trường hợp của 1 em sinh viên quê ở Sơn La bị bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình không có điều kiện chữa trị. Sau này, khi trở thành sinh viên của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, em sinh viên đó đã được hỗ trợ mua BHYT. Cùng với tấm thẻ BHYT, Bệnh viện ĐHQG phối hợp với nhà trường và các tổ chức ngoài giúp đỡ hỗ trợ thêm, sau đó em đã chữa khỏi bệnh. “Tôi nghĩ đấy là 1 trong ích lợi lớn nhất đối với SV khi tham gia BHYT đặc biệt là những SV bị bệnh hiểm nghèo hoặc những tai nạn bất ngờ đến với các em.” PGS.TS Nguyễn Quang Liệu khẳng định.

Theo ThS. Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Thủy lợi, sinh viên tham gia BHYT có rất nhiều quyền lợi thiết thực như: Thẻ BHYT được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; sinh viên được quyền đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu; được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học; được hưởng chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định; đặc biệt là các em giảm được gánh nặng về tiền bạc khi ốm đau hay gặp phải rủi ro do tai nạn.

Bệnh tật, tai nạn không chừa bất cứ 1 ai và cũng không ai nói trước được điều gì. Tham gia BHYT – một hình thức bảo vệ sức khỏe của bản thân một cách tốt nhất, cũng là trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và cộng đồng.

Để có nhiều thông tin hơn nữa về ý nghĩa và những câu hỏi rất thiết thực liên quan đến tấm thẻ BHYT, mời các bạn nghe thêm những chia sẻ của ThS. Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi và bạn Vũ Thùy Linh, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, trường ĐH Thủy lợi.