Buổi tọa đàm có sự tham gia của BS Nguyễn Trung Cấp – Phó GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW; TS Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Uỷ viên Uỷ ban tư pháp Quốc hội và ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong khi từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 2 tháng nữa, việc kỳ vọng “zero Covid” là không thể, do đó, một số thói quen, chính sách chống dịch chưa phù hợp cần thay đổi để vừa bảo vệ quyền con người, vừa đáp ứng yêu cầu chống dịch của Chính phủ và vừa bảo đảm cho người dân được đón Tết trong không khí vui tươi và an toàn.

Người dân thay đổi thói quen để chung sống an toàn với F0:

Trước hết, về thói quen của người dân. BS Nguyễn Trung Cấp – Phó GĐ bệnh viện Nhiệt đới TW cho rằng, thói quen ăn Tết, chơi Tết của người dân cần thay đổi. Nếu trước đây, đến Tết, người dân thường đi thăm hỏi họ hàng, người thân, tổ chức tiệc với đông người tham gia thì nay chỉ nên sum họp trong phạm vi hẹp, ít người hoặc nếu đi chơi, du lịch thì cũng đến những nơi vắng người để hạn chế lây lan dịch bệnh. “Mỗi người thực hiện 5K, giãn cách cá nhân chỉ là thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày còn giãn cách xã hội thì tác động rất nhiều đến kinh tế và đời sống xã hội. Mỗi địa phương bùng phát những ổ dịch trong phạm vi nhỏ thì y tế có thể vẫn đáp ứng được nhưng nếu lan ra trong phạm vi rộng sẽ dẫn đến quá tải y tế, gây ra hậu quả lớn cho người dân và đất nước” – BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Trước vấn đề mà nhiều người băn khoăn là làm sao để chung sống an toàn với F0, BS Nguyễn Trung Cấp khuyên người dân, ngoài giải pháp 5K, nên tiêm đủ 2 mũi vaccine bởi vaccine sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm 50% nếu tiêm mũi 1, giảm 80-90% lây nhiễm nếu tiêm đủ 2 mũi và giảm 50-90% nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, so với các nước trên thế giới, hệ thống y tế của nước ta còn rất mỏng. Do đó Việt Nam đã có cách chống dịch khác phù hợp với hoàn cảnh. Có thể thấy rằng, những phương pháp phòng chống dịch Covid-19 mà Việt Nam đã áp dụng đã mang lại thành công nhất định. Để duy trì kết quả này, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Đây chính là lực lượng nòng cốt, giúp cho người dân tiếp cận y tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Điều chỉnh chính sách chống dịch phù hợp

Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, xã hội. Trước tình hình này, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Uỷ viên Uỷ ban tư pháp Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 128 đã giao quyền chủ động cho các địa phương đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi vẫn có những quy định riêng gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi đi lại. Vì vậy, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị những chính sách nào còn nhiều bất cập thì cần phải bỏ và thay đổi, nhất là trong thời điểm Tết cận kề, nhu cầu đi lại của doanh nghiệp và người dân đều tăng.

TS Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội dự đoán, tình hình kinh tế - xã hội trong dịp Tết năm nay sẽ buồn hơn những năm gần đây. Xu hướng thị trường sẽ tăng tổng cung nhưng tổng cầu sẽ giảm do dịch bệnh, người dân hạn chế đi lại, thu nhập của người dân trong năm nay cũng giảm; các mặt hàng nông sản như rau xanh sẽ tăng giá trong dịp này.

Để người dân yên tâm đón Tết, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất nên có thêm những chính sách an sinh xã hội.

Dịch bệnh khiến mọi thứ đều thay đổi. Mỗi người nên cập nhật liên tục những thông tin mới để sống chung và ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19 là giải pháp phù hợp nhất trong hoàn cảnh hiện nay.