Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn, thử thách thực sự đối với nhân dân cả nước. Thế nhưng, cũng trong hoàn cảnh đó, truyền thống tương thân, tương ái, hướng về cộng đồng đang được mỗi người dân Việt Nam thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Nói như PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi dịch dã hoành hành thì tình người, nghĩa đồng bào lại được phát huy một cách cao nhất.

Những ngày qua, hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đã được bà con ở khắp mọi miền đất nước gửi về các tỉnh, thành phía Nam đang trong “tâm dịch” như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng nhân ái với những cách làm sáng tạo đã mang đến sự giúp đỡ thiết thực với bà con: ATM oxy, ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM nhà trọ cộng đồng, thậm chí là cả ATM F0 chống dịch, rồi các siêu thị-chợ 0 đồng, suất ăn 0 đồng... Tất cả cùng đồng cam, cộng khổ, san sẻ yêu thương với đồng bào mình, một minh chứng rõ nhất cho việc “lấy sức dân chăm lo dân”.

Trong cuộc chiến này, ngoài lực lượng tuyến đầu như y, bác sĩ, công an, quân đội phải căng mình ngày đêm làm nhiệm vụ - đến mệt lả vẫn kiên cường bám trụ, còn có sự đóng góp không nhỏ công sức, tiền của của các tầng lớp nhân dân cho công tác phòng, chống dịch… Những hành động vì cộng đồng làm ấm lòng biết bao người…Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, đó chính là cái TÌNH, là nghĩa đồng bào - một truyền thống quý báu từ nhiều đời nay của người Việt ta, thiêng liêng và ý nghĩa vô cùng.

Lịch sử đất nước từng trải qua biết bao thăng trầm, chúng ta đã phải đánh đổi bằng cả xương máu để có được ngày hôm nay. Nếu không có tinh thần đoàn kết, tình nghĩa đồng bào thì thật khó có thể giành thắng lợi. Và trong những ngày dịch bệnh như thế này, điều này một lần nữa được minh chứng, “nghĩa đồng bào” được lan tỏa và thể hiện rõ nét ở mọi tầng lớp nhân dân. Bởi lẽ, theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, “tinh thần đoàn kết”, "nghĩa đồng bào” ấy đã ngấm vào máu thịt của mỗi người con đất Việt. Để khi đất nước lâm nguy, bản năng trong mỗi người lại trỗi dậy, sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo", sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch…

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, để tinh thần ấy tiếp tục được lan tỏa và phát huy, theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chúng ta cần phải xây dựng những hình ảnh, những tấm gương vì cộng đồng trong đại dịch để tô thắm thêm truyền thống đoàn kết, thương yêu nhau và "nghĩa đồng bào" của dân tộc trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh. Sự sẻ chia khiến mỗi người thêm xích lại gần nhau, trân quý nhau hơn.

Có thể nói “nghĩa đồng bào” đã thể hiện bản sắc, bản lĩnh và khí chất của con người Việt Nam. Tình nghĩa ấy đã kết nối những nguồn sức mạnh để toàn dân cùng đất nước chung sức, đồng lòng vượt qua gian khó.

Mời nghe âm thanh tại đây: