Từ đầu năm nay, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điều trị nội trú sẽ được thanh toán 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng trên thẻ BHYT tại các bệnh viện tuyến tỉnh dù không có giấy chuyển tuyến. Sau gần 1 năm triển khai, quy định này không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh mà còn giúp họ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ y tế hiện đại.

Theo đó, tất cả người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh thì đều được Quỹ BHYT chi trả. Trước đây, nếu muốn khám ở tuyến tỉnh thì người có thẻ BHYT phải đăng ký tại cơ sở tuyến tỉnh hoặc là chuyển tuyến huyện lên, còn nếu có thẻ BHYT tuyến xã thì sẽ chuyển lên tuyến huyện rồi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Nay những người này có thể đến thẳng tuyến tỉnh trong trường hợp cần thiết nhập viện điều trị thì sẽ được hưởng quy định gọi là thông tuyến tỉnh.

Chính sách thông tuyến đã và đang góp phần đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia bảo hiểm y tế. Anh Trần Anh Tuấn ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trước đây khi anh đi khám chữa bệnh trái tuyến trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Anh Tuấn cho rằng, quy định này tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Như vậy gần 1 năm qua, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.

Ông Phan Văn Toàn, phó Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, cụ thể, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%.

Việc mở rộng quyền lợi cho người bệnh BHYT góp phần tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đổi mới trong quản lý, cung ứng dịch vụ y tế. Khi phạm vi lựa chọn nơi khám chữa bệnh ngày càng rộng hơn, người bệnh có nhiều sự lựa chọn sẽ thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng để thu hút, tạo sự tin tưởng cho người bệnh.

Theo ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Việc triển khai thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT là chính sách lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để tự chi trả 40% chi phí khi điều trị bệnh tại tuyến tỉnh do trái tuyến. Theo ông Khảm, các đơn vị thực hiện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được ý nghĩa và quy trình khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Từ đó, tạo sự công bằng về thụ hưởng dịch vụ y tế cho mỗi người dân:

Với chính sách mới này, các bệnh viện cũng coi đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hướng chuyên sâu, cũng như đề cao tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Chính sách thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT được triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ y tế hiện đại.